Bộ có phần trách nhiệm về sai sót trong BLHS 2015

Liên quan đến những sai sót trong BLHS 2015, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II diễn ra chiều 7-7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thừa nhận: “Với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm trong việc này”.

Ông Dũng nói: “Việc xử lý trách nhiệm, quy trách nhiệm cho ai, mức độ như thế nào, chúng tôi chờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên”. Ông Dũng cũng cho biết Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan Quốc hội (QH) lên kế hoạch và tiến hành sửa đổi BLHS 2015.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa bổ sung, Ủy ban Tư pháp của QH đã có công văn chính thức đề nghị Bộ Tư pháp góp ý vào dự thảo nghị quyết của QH, theo đó Chính phủ sẽ là cơ quan chủ trì soạn thảo, bộ trưởng Bộ Tư pháp là trưởng ban soạn thảo. Tuy nhiên, Bộ đã có công văn gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kiến nghị theo hướng xác định Ủy ban Thường vụ QH là cơ quan trình, Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan tham gia.

Tại cuộc họp này, Bộ Tư pháp cho biết đã hoàn thành thẩm định 50/50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN), qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho DN.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú khẳng định các văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp luôn luôn thể hiện quan điểm tạo sự thông thoáng nhất cho DN; bảo đảm những điều kiện đặt ra rõ ràng, công khai, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ cho DN và thực sự phù hợp, cần thiết và đó là biện pháp ít hạn chế điều kiện đầu tư kinh doanh nhất.

Đánh giá về chất lượng của dự thảo những nghị định đã trình lên, ông Tú cho biết có những văn bản “rất tệ”. “Thậm chí có cả trường hợp nghị định nhưng lại viện dẫn đến thông tư, điều đó không thể chấp nhận được, ít nhất là về kỹ thuật lập pháp” - ông Tú nói.

• Cũng tại cuộc họp báo ngày 7-7 của Bộ Tư pháp, liên quan đến việc xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư (LS) của ông Cao Văn Hùng, nguyên điều tra viên chính vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết Luật LS quy định rõ cơ sở pháp lý để thu hồi chứng chỉ hành nghề LS. Sau vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, Cục Bổ trợ tư pháp đã gửi văn bản tới Đoàn LS tỉnh Bình Thuận, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc xác minh thông tin liên quan đến ông Cao Văn Hùng. “Chúng tôi đang xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc này. Ngay khi có đầy đủ căn cứ theo đúng quy định của Luật LS, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục và thông báo công khai” - bà Mai nói.

Được biết, trước khi xin vào Đoàn LS tỉnh Bình Thuận và bị từ chối, ông Hùng đã nộp đơn xin gia nhập Đoàn LS TP Hà Nội. Mặc dù có thời gian sau khi ra khỏi ngành công an, ông Hùng công tác tại Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc nhưng trong lý lịch xin gia nhập đoàn LS ông Hùng đã không khai báo việc này.

Ông Cao Văn Hùng trước đây công tác tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận và là điều tra viên chính trong hai vụ án oan “vườn điều” và vụ ông Huỳnh Văn Nén. Sau đó ông Hùng bị cho thôi việc do có liên quan đến một vụ án mà ông phối hợp điều tra. Hiện gia đình chín người bị kết án oan trong vụ án “vườn điều” và ông Huỳnh Văn Nén đã gửi đơn đến CQĐT VKSND Tối cao tố cáo ông Hùng bức cung, nhục hình và cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án để kết tội oan ức họ. Một nguồn tin cho biết tuần qua, CQĐT VKSND Tối cao cũng đã có nhiều buổi làm việc với ông Cao Văn Hùng tại Bình Thuận.

ĐỨC MINH - PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/bo-co-phan-trach-nhiem-ve-sai-sot-trong-blhs-2015-639428.html