Bỏ cọc trong đấu giá biển số xe: cần thêm biện pháp mạnh

kinhtedothi - Việc một số cá nhân, tổ chức bỏ cọc sau khi trúng đấu giá làm mất thời gian, chi phí và cả cơ hội sở hữu biển số của nhiều người khác. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có những biện pháp mạnh hơn như cấm đấu giá hay phạt tiền.

Siết chặt hoạt động đấu giá

Từ ngày 15/9/2023 (ngày mở phiên đấu giá biển số xe ô tô đầu tiên) đến hết ngày 10/3/2024, Bộ Công an đã tổ chức đấu giá 91 phiên, tổng số đấu giá thành công 15.502 biển số; nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.395 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có những biển số sau đấu giá bị bỏ cọc. Ví như biển số 30K - 999.99 giữ kỷ lục cao nhất với số tiền trúng đấu giá 75,275 tỷ đồng. Sau khi bị bỏ cọc, hôm 5/4, biển số ngũ quý siêu VIP 30K - 999.99 được đưa ra đấu giá lại và chốt 30,655 tỷ đồng.

Không ít biển số xe được trúng đấu giá cao nhưng sau đó người đấu giá bỏ cọc.

Không ít biển số xe được trúng đấu giá cao nhưng sau đó người đấu giá bỏ cọc.

Ngoài ra, biển số 51K - 888.88 từng trúng với 32,340 tỷ đồng, nhưng sau nhiều lần bị bỏ cọc và đấu giá lại, tài sản này được trả còn 15,265 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn không ít biển số xe trúng đấu giá cao nhưng sau đó người đấu giá không làm thủ tục nộp tiền và nhận biển.

Việc một số cá nhân, tổ chức bỏ cọc sau khi trúng đấu giá làm mất thời gian, chi phí và cả cơ hội sở hữu biển số của nhiều người khác. Do vậy, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ vừa được Bộ Công an hoàn thiện dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Ban soạn thảo đã có đề xuất đáng chú ý liên quan hành vi bỏ cọc khi đấu giá biển số xe ô tô.

Cụ thể, tại Điều 37 của dự thảo luật có nêu, người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả trúng; tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.

Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe bỏ cọc hoặc nộp không đủ tiền thì biển số xe đó sẽ được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Khi đó, khách hàng không được hoàn trả số tiền đặt trước.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá, khách hàng cần đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá. Trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng.

Dự thảo đề xuất, sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đã nộp.

So với những đề xuất trước đây, trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an cho rằng cần quy định rõ, người tham gia đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá thì không được nhận lại tiền đặt trước và không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng.

Cần chế tài mạnh hơn

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng. Nếu người trúng đấu giá bỏ cọc, với số tiền 40 triệu đồng sẽ không đủ để thực hiện bù đắp các chi phí trong khâu tổ chức. Ngoài ra, việc bỏ cọc như vậy có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người có nhu cầu tham gia đấu giá, liệu họ còn muốn tham gia nếu việc này tác động lớn đến kết quả đấu giá, đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao?

Theo luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh, qua thời gian thí điểm, việc đấu giá biển số xe đem lại những hiệu nhất định, được nhiều người dân ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, quá trình đấu giá cũng đã để lộ một số bất cập, nhất là nhiều trường hợp đẩy giá biển số lên rất cao rồi bỏ cọc.

Luật sư Phạm Thanh Hải cho rằng: “Quy định hiện hành chưa thực sự đủ sức răn đe, chưa hiệu quả trong công tác quản lý nói chung, lĩnh vực đấu giá nói riêng. Việc đình chỉ người tham gia đấu giá 12 tháng nếu bỏ cọc sẽ phần nào tạo sức răn đe. Tuy nhiên cần có thêm những biện pháp mạnh hơn nữa để giảm thiểu tình trạng này”.

Cũng theo luật sư Phạm Thanh Hải, cơ quan Nhà nước cần áp dụng thêm các chế tài phạt khác như: ngoài số tiền cọc không được hoàn lại, người bỏ cọc còn phải nộp thêm các khoản chi phí khác bù đắp trong việc tổ chức phiên đấu giá, nộp các khoản tiền tương ứng với phần trăm số tiền của tài sản trúng đấu giá.

Để ngăn tình trạng bỏ cọc trong đấu giá biển số xe, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, bên cạnh việc tạm thời đình chỉ những phiên đấu giá tiếp theo đối với những tài khoản bỏ cọc cũng cần có chế tài mạnh tay hơn với những trường hợp này.

Vị chuyên gia này đề xuất, đối với những khách hàng tham gia đấu giá cần mở một tài khoản hoặc ví điện tử trên trang web của đơn vị tổ chức đấu giá. Mỗi lần trả giá, người chơi phải nộp tiền vào tài khoản đó mới có thể đấu giá. Trường hợp tài khoản không đủ tiền, khách hàng sẽ không thể trả mức giá cao hơn số tiền đang có trong ví. Sau khi kết thúc cuộc đấu, số tiền trong ví sẽ được khấu trừ vào mức tiền đã trúng đấu giá cho biển số đó, còn người đấu không trúng được bảo lưu tiền cho lần sau hoặc rút về.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-coc-trong-dau-gia-bien-so-xe-can-them-bien-phap-manh.html