Bộ Công Thương triển khai thực thi Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Công Thương ban hành công văn 3359/BCT-KHTC về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển KTXH.

Cụ thể, nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các Đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:

Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, các đối tác lớn, nhất là chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư...; phân tích, dự báo để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhất là việc tăng cả tổng cung và tổng cầu.

Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

Bộ Công Thương ban hành công văn 3359/BCT-KHTC về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Công Thương ban hành công văn 3359/BCT-KHTC về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Quyết liệt giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Quan tâm thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ dứt điểm khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây những nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.

Tập trung xử lý, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Quyết định 104/QĐ-TTg ngày 25/1/2024; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số theo chỉ đạo tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 8/1/2024; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công, giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5... bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, chuẩn bị kỹ các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV. Triển khai kịp thời, hiệu quả các quy hoạch cấp quốc gia đã ban hành.

Bộ Công Thương giao Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Dầu khí và Than, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành đối với: Cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; Cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu hàng năm; khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện danh mục các dự án nguồn điện theo yêu cầu của Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ sớm để xem xét, phê duyệt.

Chủ động có các biện pháp theo thẩm quyền và quy định để đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định mới thay thế các Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu trong tháng 5/2024.

Cục Công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương; đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề án xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài còn lại.

Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, các Vụ thị trường ngoài nước chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới (với các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, khu vực Mỹ La-tinh); tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào khu vực châu Phi, thị trường Halal.

Thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê,...; chủ động phương án xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục, cung cấp hồ sơ, thông tin đáp ứng các quy định mới của nước đối tác.

Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục phòng vệ thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, các chương trình bình ổn thị trường, xúc tiến nông sản, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa hàng Việt về nông thôn... Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; kịp thời điều tra, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.

Xem chi tiết tại đây!

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-trien-khai-thuc-thi-chi-thi-cua-thu-tuong-chinh-phu-321490.html