Bộ đã chuẩn bị xong cho kỳ thi quốc gia 2017

Thành lập hai nhóm xét tuyển lớn gồm nhiều trường đại học khu vực phía Bắc và phía Nam là bước tiến dài trong đổi mới phương thức xét tuyển đại học-cao đẳng.

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga tại buổi chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển, lọc ảo diễn ra tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng) ngày 3/6.

Sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng

Thứ trưởng Ga cho biết, chưa đầy ba tuần nữa, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017 sẽ diễn ra nên Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ đã đi kiểm tra quá trình chuẩn bị ở một số địa phương.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá việc thành lập nhóm xét tuyển là bước tiến dài trong đổi mới phương thức xét tuyển đại học - cao đẳng. Ảnh: TT

Qua đó, các địa phương đã ý thức được trách nhiệm của mình và vào cuộc một cách nghiêm túc, bởi đây là năm đầu tiên địa phương đứng ra chủ trì kỳ thi.

“Với hai mục đích là xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học nên Bộ, các địa phương đã huy động những nguồn lực tốt nhất phục vụ kỳ thi.

Đảm bảo các trường đại học cao đẳng có thể sử dụng kết quả ấy để xét tuyển vào trường mình mà không phải tổ chức thêm một kỳ thi khác” ông Ga nói.

Dự kiến ngày 10/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển đề thi về các địa phương để tiến hành in sao và chuyển đến các điểm thi.

“Khác với mọi năm, năm nay, chúng ta ban hành phương án thi và tuyển sinh từ rất sớm.

Ngay khi kết thúc năm học 2016 (tháng 9), thì Bộ đã công bố phương án thi và tuyển sinh nên các trường đại học, sở giáo dục và địa phương biết được phương thức, kế hoạch thực hiện nên chuẩn bị rất sớm” thứ trưởng Ga nhận xét.

Đối với những điểm đổi mới trong kỳ thi lần này cũng được Bộ giáo dục công bố và đưa ra công luận bàn thảo rất nhiều. Điển hình như phương thức thi trắc nghiệm từ hình thức thi tự luận – trắc nghiệm cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, xây dựng.

Về công tác chuẩn bị, Bộ cũng đã xây dựng ngân hàng đề thi đầy đủ để Ban đề thi quốc gia có thể sử dụng nó để biên soạn đề thi cho năm nay.

Bộ cũng đã ba lần ban hành đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo, giúp học sinh cũng như nhà trường và xã hội biết cấu trúc đề thi như thế nào, để các em có thể yên tâm bước vào kỳ thi chính thức.

“Bộ cũng cố gắng giao đề thi năm nay sớm hơn mọi năm để các Sở có thể in kịp để chuyển về điểm thi” thứ trưởng Ga cho hay.

Nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, kết quả tin cậy để các trường có thể dựa vào đó xét tuyển thì Bộ đã trao đổi rất kỹ với các trường đại học.

“Năm nay, mỗi em sẽ có một mã đề thi riêng, mỗi phòng có 24 em (trước đây hơn 30 em) nên về mặt kỹ thuật các em không thể hỏi nhau, hạn chế tối đa việc trao đổi.

Mỗi phòng thi có một giáo viên phổ thông (địa phương khác điều đến) và một giảng viên đại học nên đảm bảo tính nghiêm túc trong coi thi.

Ngoài ra, việc chấm thi bằng hình thức phần mềm máy quét nên không ai can thiệp được. Với kỹ thuật cũng như các phương thức tổ chức kỳ thi năm nay thì đảm bảo sẽ tin cậy, an toàn để các trường xét tuyển” ông Ga khẳng định.

Phương án lọc thí sinh ảo

Theo đại diện Bộ giáo dục, năm 2016, chúng ta đã tổ chức kỳ thi rất tốt nhưng vấn đề xét tuyển lại xảy ra bất cấp là số lượng thí sinh ảo quá nhiều.

Các trường đại học khu vực phía Nam chạy thử phần mềm xét tuyển, lọc ảo. Ảnh: TT

Nhiều trường không phán đoán được số lượng thí sinh ảo là bao nhiêu để lựa chọn, dẫn đến rất nhiều trường tốp trên cũng không tuyển đủ chỉ tiêu.

Hậu quả, là cả thí sinh chịu nhiều thiệt thòi mà quyền lợi của các trường cũng bị ảnh hưởng.

“Phải xử lý làm sao để các trường tuyển đủ chỉ tiêu, không vượt nhưng cũng không thiếu, ở mức độ vừa đủ. Thí sinh điểm cao thì trúng tuyển vào nguyện vọng cao mà em mong muốn, đó là một bài toán rất khó giải” thứ trưởng Ga đặt vấn đề.

Theo ông Ga, từ năm 2015 đến nay, năm nào Bộ cũng đề xuất phương án và các trường thảo luận nhưng chúng ta cũng chưa tìm được một giải pháp hoàn hảo.

Năm nay, chúng ta có một bước tiến dài trong đổi mới phương thức xét tuyển . Đó là việc, các trường đại học thành lập hai nhóm xét tuyển lớn là nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc và nhóm xét tuyển khu vực phía Nam.

Theo đó, nhóm phía Nam có 72 trường đại học, còn phía Bắc có 54 trường đại học lớn. Trong đó, các trường có tỷ lệ chọi cao, trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển thì đều tham gia vào hai nhóm này – ông Ga đánh giá.

“Khi thành lập nhóm xét tuyển như vậy thì sẽ rất thuận lợi cho thí sinh và nhà trường. Chúng ta nhìn được cái ảo để ghạch bỏ và chúng ta gọi đúng số lượng thí sinh đúng với tỷ lệ chúng ta hy vọng” ông Ga cho hay.

Ngay khi có phương án tuyển sinh thì Bộ giáo dục đã chỉ đạo xây dựng phần mềm xét tuyển, lọc ảo.

Phần mềm này dựa trên nền tảng là quy chế tuyển sinh mà Bộ đã công bố. “Mới đây, khi hai nhóm mới thành lập thì phần mềm cũng đã được điều chỉnh theo yêu cầu của hai nhóm này.

Không bắt buộc các nhóm này sử dụng hay phải theo quy trình nào mà dựa trên đề xuất của các nhóm và Bộ tôn trọng đề xuất của các nhóm” ông Ga thông tin.

Hiện cả hai nhóm này đều đã khẳng định quy trình xét tuyển và lọc ảo của riêng mình. Dù sử dụng hai phương thức khác nhau như theo nhiều chuyên gia đánh giá thì nó cùng mục đích là loại ảo.

Quy trình loại ảo dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ của các trường. Tức là việc quyết định điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển là do các trường quyết định chứ không phải do ai quyết định cả.

Ví dụ trường sẽ tự quyết định ngành A điểm chuẩn bao nhiêu, danh sách trúng tuyển như thế nào… Chính vì điều này mà các trường đã tham gia nhóm, còn nếu có sự can thiệp nào thì chắc chắn sẽ không tham gia - đại diện Bộ giáo dục chia sẻ.

Thứ hai, phần mềm này giúp có sự liên thông trong nhóm. Ví dụ 72 trường trong Nhóm phía Nam thì có một trường điều chỉnh mở rộng danh sách trúng tuyển hoặc giảm điểm chuẩn thì sẽ ảnh hưởng đến các trường khác.

Các trường khác sẽ thấy được sự điều chỉnh của trường này tác động đến danh sách trúng tuyển trường mình như thế nào, từ đó điều chỉnh điểm chuẩn cũng như danh sách trúng tuyển làm sao cho phù hợp với chỉ tiêu.

“Làm sao, trong mỗi lần chạy phần mềm xét tuyển, mỗi thì thí sinh trong nhóm đấy chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Như vậy, nhóm càng rộng thì hiệu quả càng cao” vị đại diện này nói.

Dựa trên nguyên tắc ấy, nhóm phía Bắc xây dựng quy trình xét tuyển của mình theo phương thức điều chỉnh điểm chuẩn.

Tức là các trường ngồi ở nhà điều chỉnh trực tuyến điểm chuẩn của mình. Mỗi lần thay đổi điểm chuẩn như vậy thì cả nhóm ấy sẽ có những tác động, các trường khác cũng sẽ điều chỉnh nếu thấy nó có tác động lớn đến chỉ tiêu của trường mình, nếu không thì giữ nguyên.

Quy trình của nhóm phía Nam là điều chỉnh trên danh sách trúng tuyển dự kiến.

Tức là từng trường xây dựng danh sách trúng tuyển dự kiến của mình và đưa lên phần mềm của nhóm. Nhóm sẽ lọc ảo và lựa ra những thí sinh trúng tuyển các nguyện vọng cao nhất do các em đăng ký, lược bỏ đi những nguyện vọng thấp hơn.

Để đảm bảo rằng mỗi em chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất và nó rơi vào trường nào thì các em về học trường ấy.

"Năm nay, xét tuyển như vậy thì các trường sẽ tuyển đủ thí sinh và thí sinh cũng yên tâm là sẽ trúng vào nguyện vọng cao nhất mà mình đã đăng ký.

Sau này, chúng ta có thể không phải thành lập hai nhóm xét tuyển nữa mà cả nước cùng dùng chung một phần mềm.

Vì thực tế, các trường ngồi ở nhà điều chỉnh các thông số và cũng không phải đi đâu. Mình muốn điều chỉnh thế nào thì chỉ có trường đó biết.

Nếu dùng chung phần mềm cho cả nước thì sẽ đỡ vất vả chạy giai đoạn 1 ở nhóm rồi giai đoạn 2 lên Bộ. Theo đó, chúng ta chỉ một phần mềm nhưng cũng đảm bảo được các quy tắc như trên thì việc tuyển sinh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều" thứ trưởng Ga nói.

Tấn Tài

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-da-chuan-bi-xong-cho-ky-thi-quoc-gia-2017-post177130.gd