Bồ đề 'không lá'

Bồ đề 'không lá' - Chiếc lá xanh trên cành ngày trước hôm nay đã ngã màu, cuống héo gân thô xơ xác, sự mãn hoàn của đất trời không bỏ sót. Lá trôi theo dòng, lá rơi. Thức nhắc chúng sinh một điều là mãi mãi, vô thường biến chuyển mấy đời chớm qua có gì để mà lưu trú mà nắm bắt, chỉ hoàn không. Đã biết rằng không thì hãy học cách buông bỏ đi...

Bồ đề “không lá” – chiếc lá xanh trên cành ngày trước hôm nay đã ngã màu, cuống héo gân thô xơ xác, sự mãn hoàn của đất trời không bỏ sót. Lá trôi theo dòng, lá rơi. Thức nhắc chúng sinh một điều là mãi mãi, vô thường biến chuyển mấy đời chớm qua có gì để mà lưu trú mà nắm bắt, chỉ hoàn không. Đã biết rằng không thì hãy học cách buông bỏ đi…

Tác giả: Kim Thu
Trường Tiểu học Kim Hòa B, Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh

Ánh nắng cuối ngày chiếu xiên qua cội bồ đề già cỗi, vòm lá to rộng nhánh cây chắc nịch, những phiến lá rũ đều buông mềm đều khắp. Hạt nắng bé con rơi rớt trên mỗi lá, ánh sáng trong trẻo lạ thường tựa như những hạt pha lê quý giá đang chiếu tỏa như ánh hào quang quý báu của trời.

Một bức tranh tuyệt đẹp giữa trần. Hình ảnh ấy tác động mạnh mẽ vào tâm thức người xem, nó đẹp vì tình vì cảnh và đẹp mãi trong những trang sử kinh của đạo Phật. Nhưng khoan đừng để mình dính mắc vào nó, thế gian đã là hư huyễn thì chẳng có chi là thật cả. Cây cỏ, núi sông, sự sự vật vật trên đời cũng chỉ là bóng câu qua cửa.

Buông cái hình này để bắt lấy ảo ảnh kia là mình đang cái làm việc múc trăng dưới nước. Tức là “không”. Có sinh là đã có diệt, một giây phút trôi qua là là một bước gần lại hư không. Cho nên thấy như còn đó mà đã và đang dần dần mất đi. Thành, trụ, hoại, không liên miên bất tận. Nói cho cùng khi có thì đã sẵn sàng là không.

Như Bồ Đề kia nếu như không còn có lá xanh mơn mởn không có ánh nắng chói chang điểm tô trong giây phút thì chỉ là một cây cổ thụ trơ nhánh gầy guộc, vậy thì có ai bảo là nó đẹp nữa chăng. Thời gian đang đẹp ấy đã có mặt của bàn tay hư hoại lụy tàn.

Sự thật nào cũng thế nó trần trụi đến làm người ta phải khó chịu, nhưng nó luôn là thực, chỉ bởi vì ta tự dối lòng mê lầm nhận trật mà không chịu mở cửa con tâm tự bản lai. Vô minh mỏng manh như bức màn, sau lại không vén nó về một bên để cho bức tranh lòng được sáng sủa, đẹp đẽ hơn.

Nhắm nghiền đôi mắt thở vào, thở ra dứt bặt mọi tạp niệm trong đầu, đóng lại những tạp nhạp thế gian không nhớ chuyện quá khứ, không nghĩ chuyện tương lai. Thân và tâm ta ở đây giây phút này, hãy để nó hòa cùng vạn hữu thế gian. Không sinh một niệm không diệt thường niệm, ngàn xưa mây nổi đến hôm nay bao cuộc điên đảo chỉ “hoàn vô”.

Nói đúng hơn những điều này chúng ta thừa nằm lòng ghi nhớ nhưng ta đã thực hành được mấy lần. Những cơn giận đột ngột đến rồi đi để lại biết bao nỗi niềm ray rứt, nếu như ta làm chủ được cảm xúc, nếu như ta quay về nương tựa bản tâm và nếu như những sân hận dễ dàng cho ta đối diện thì hay biết mấy.

Thế nhưng cuộc sống này không hề tồn tại hai chữ “nếu như”, lịch sử loài người không cho nó chen chân giữa một ý niệm một hành động và cao hơn là một kiếp người. Có nghĩa rằng, đã gieo một hạt giống từ ý nghĩ đến hành động thì sau đó là kết quả ngay lập tức, không thể trở lại thời khắc ban đầu để mà lựa chọn thêm lần nữa.

Hạn hữu cuộc đời là bức tường thành chắc chắn nhất chớ để mình vô tâm lây lất giữa đời, một mai niên thọ đã tận chẳng kịp thời thấu đáo nguồn cơn, đem tâm dong ruổi lênh đênh bạc phần.

“Bồ đề vốn không cây” thì cớ gì lại có lá xanh, chẳng những bồ đề là không mà thân ta đây cũng chỉ là một sự giả hợp của tứ đại tạo tác nên thành. Đủ duyên hợp lại duyên hết tan ra, cứ thế mà tiếp nối. Vậy thì, có phải không cần làm gì hết chăng? Đã sinh ra một kiếp người có muốn dửng dưng có được hay không ? Có lẽ nào. Duyên hợp duyên tan mọi thứ đều không ngoài, gượng ép làm chi cho nghịch thiên ý.

Làm mà không bận mắc không mong cầu và làm chỉ để làm mà thôi. Chẳng gì là “trọng” chẳng gì là “khinh”, đặt cho nó một cái giá trị so sánh nó là gieo thêm ham muốn cho người. Là một cọng cỏ một áng mây hay là một bông hoa tuyệt sắc cũng thế cũng đồng một thể tánh như nhau, phải sống cho trọn vẹn phận sự của mình đã trót mang. Mắt nhìn miệng nói ý tách phân, người đời vẫn hay luôn dính mắc vào, đem tự ngã mình nhốt lại ba đường.

Vô minh không dễ thấy chứ không phải không có, mắt sáng tâm an thì có gì làm ngăn ngại sự chứng ngộ, trừ khi chúng ta tự bưng bít dối lừa bản thân. Chiếc bè cứu sinh luôn đợi chờ ta bước chân lên đó, nó sẽ đưa ta đến “bờ bên kia”. Nếu cuộc đời bảy nổi ba chìm này đã là không thật thì hà cớ gì cứ mãi đa mang, mộng ngày mộng đêm vẫn thường muốn có được, nào hay hoa đốm trăng đáy nước.

Chiếc lá xanh trên cành ngày trước hôm nay đã ngã màu, cuống héo gân thô xơ xác, sự mãn hoàn của đất trời không bỏ sót. Lá trôi theo dòng, lá rơi. Thức nhắc chúng sinh một điều là mãi mãi, vô thường biến chuyển mấy đời chớm qua có gì để mà lưu trú mà nắm bắt, chỉ hoàn không. Đã biết rằng không thì hãy học cách buông bỏ đi…

Như chúng ta biết, đức Thích Ca là người sáng lập chân nghĩa của đạo Phật, là người tìm ra giáo lý giúp con người vượt lên trên bể khổ, cập bến Niết Bàn, chân lý cao thâm ấy truyền đến nay đã mấy ngàn năm. Với một lòng mong mỏi cứu giúp chúng sinh khỏi biển khổ trần lao, khi quyết chí xuất gia cầu đạo, Ngài đã tự mình buông bỏ những ràng buộc thế nhân.

Người buông đi cái vòng lẩn quẩn luân hồi của kiếp sống, bỏ lại sau lưng tiếng gọi của hư danh trần thế, kể cả tình cảm gia đình, ra đi vì đại nguyện cứu khổ chúng sinh. Học theo hạnh lành của người, những kiếp người nhỏ bé như chúng ta chỉ cần học buông đi muộn phiền và khổ não. Buông là không cố giữ và biết rằng cần phải buông, hãy để nó từ đâu đến về lại nơi ấy.

Bỏ hết mối lụy phiền buông theo ngọn gió giấc triền miên…
Bồ đề buông lá khánh nguyên hương
Lần chuỗi liên hoa thấm đạo mầu
Nắng reo vàng lá lưa thưa bóng
Sóng mắt buông rèm cửa thiền không.

Tác giả: Kim Thu
Trường Tiểu học Kim Hòa B, Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/bo-de-khong-la.html