Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn về cơn bão số 10

Trước diễn biến nhanh và phức tạp của cơn bão số 10, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công điện gửi các địa phương ảnh hưởng trực tiếp của "siêu bão".

Theo đó, sáng 15/9, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện gửi các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội.

Bão số 10 được xem là cơn bão rất nguy hiểm, rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa.

Bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri. Theo dự báo của trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên.

Đến 7h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ Bắc; 107,8 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km; khoảng trưa chiều 15/9, bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền và mưa lớn gây lũ, lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và các tỉnh từ thanh Hóa đến Quảng Ngãi.

Thực hiện công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ, bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội triển khai các công việc sau đây:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học; cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn nếu cần thiết.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương trong công tác ứng phó bão lũ, sơ tán giáo viên, học sinh khi có yêu cầu.

Có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, kịp thời vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ công tác dạy và học sau bão như:

Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng khắc phục hư hại về cơ sở vật chất trường, lớp học để sớm ổn định hoạt động dạy và học.

Đối với các trường bị thiệt hại nặng chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn thì cần bố trí nơi học tạm cho học sinh để đảm bảo chương trình, kế hoạch thời gian năm học 2017-2018.

Liên quan đến cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm nay, sáng 15/9, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Sở thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, hiện toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh đã được nghỉ học”.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bo-gd-dt-chi-dao-khan-ve-con-bao-so-10-a339052.html