Bộ GD&ĐT sẽ chọn những cơ sở chất lượng nhất để đào tạo giáo viên

Hiện tượng một số trường đại học và cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn đầu vào quá thấp khiến xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên khi ra trường sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra “mổ xẻ” tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới của hệ thống giáo dục đại học vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội.

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ hơn về đề này.

PV: Thưa bà, năm 2017, trong khi điểm chuẩn trúng tuyển của nhiều trường đại học (ĐH) top đầu tăng mạnh thì mặt bằng điểm chuẩn chung của các trường sư phạm lại rất thấp. Thậm chí, một số trường cao đẳng sư phạm tại các địa phương còn thông báo tuyển sinh chưa đến 10 điểm 3 môn khiến xã hội hoang mang, lo lắng khi chất lượng thầy thấp thì sẽ khó có trò giỏi?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Điểm chuẩn vào một số trường sư phạm thấp là điều đáng lo lắng. Việc xã hội lo ngại hay hoang mang khi chất lượng đầu vào của một số trường sư phạm quá thấp cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, qua khảo sát bước đầu của Bộ GD&ĐT cho thấy, không phải học sinh đạt 9-10 điểm đều đến các trường cao đẳng sư phạm để nhập học vì hiện nay các em đều có lựa chọn rất thực tế và thông minh. Ngay trong tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ có cuộc họp với các bên liên quan để tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

PV: Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của hệ thống giáo dục ĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, ngành giáo dục sẽ ưu tiên sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Hiện chủ trương này đã và đang được thực hiện đến đâu, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong năm 2018, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và cơ sở đào tạo giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Đối với cơ sở đào tạo giáo viên, sau khi rà soát theo tiêu chuẩn quy hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ chọn những cơ sở chất lượng nhất để đào tạo giáo viên cho các vùng miền, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông.

Đầu tư cho vào các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục. Vì vậy, những trường sư phạm sẽ có chuẩn đánh giá chất lượng riêng.Với trường sư phạm, sự can thiệp điều tiết của thị trường sẽ ít hơn so với hệ thống đào tạo nói chung. Dựa trên quy mô dân số trong độ tuổi đi học, nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu, các trường ĐH sẽ đào tạo đến đó.

Trên cơ sở các chuẩn, quy chuẩn đối với các trường sư phạm riêng, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại hệ thống các trường sư phạm hiện nay để xem các trường nào đạt chuẩn thì tiếp tục đầu tư để phát triển.Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu cần tiếp tục đầu tư đạt chuẩn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho vùng, địa phương mình; cũng có thể hợp nhất, sáp nhập với trường lớn để lan tỏa chất lượng của những trường lớn ra những vùng miền khác. Những trường nào yếu kém về chất lượng mà xã hội không lựa chọn sẽ khoanh vùng để có các giải pháp phù hợp.

PV: Trước thực trạng các trường sư phạm có “đầu vào” thấp, đầu ra thì bị “tắc” vì sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều ý kiến cho rằng, muốn nâng cao chất lượng đầu vào, ngành sư phạm nên học tập kinh nghiệm của ngành công an và quân đội. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện nay, chỉ tiêu của trường sư phạm đã được quản lý chặt chẽ hơn không chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo của trường mà còn căn cứ vào nhu cầu sử dụng của xã hội. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm, chỉ tiêu vào các trường đều giảm từ 10-20% trên toàn hệ thống. Riêng các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT giảm 20%/năm.

Trong quy hoạch các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT đang xây dựng các chuẩn, quy chuẩn cơ bản cho các trường sư phạm, trong đó, dự kiến có tiêu chí về tỷ lệ sinh viên có việc làm. Trên cơ sở đó sẽ rà soát các trường sư phạm trong toàn hệ thống, trường đạt chuẩn sẽ được đặt hàng đào tạo và các sinh viên được đặt hàng đào tạo khi tốt nghiệp sẽ có việc làm.

Dự kiến, đối với các trường đào tạo chất lượng, sinh viên sư phạm thực sự giỏi khi ra trường có thể sẽ được sắp xếp việc làm như sinh viên các trường quân đội, công an. Ngoài ra, khi khảo sát trên toàn hệ thống trường sư phạm, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện quy hoạch chất lượng hơn, trên cơ sở đó để xác định từ chỉ tiêu cho đến “đầu ra” trước hết là đối với các sinh viên giỏi.

PV: Có ý kiến cho rằng, khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT nên tính tới việc giao cho một số trường sư phạm chuyển hướng sang bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn hiện đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trong toàn hệ thống. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với các trường ĐH sư phạm, ngoài việc đào tạo giáo viên còn nhiệm vụ đào tạo lại giáo viên để đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Hiện nay, các trường cũng đã có kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên để phù hợp với yêu cầu mới. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức việc chuẩn bị chương trình vào giao cho những trường đủ năng lực, còn các địa phương có trách nhiệm rà soát giáo viên để cử đi học.

PV: Cùng với việc quy hoạch, cơ cấu lại các trường sư phạm, liệu Bộ GD&ĐT đã tính tới việc xây dựng lại chuẩn giáo viên để phù hợp với chương trình mới không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bộ GD&ĐT cũng đang chuẩn bị xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên một cách toàn diện từ phẩm chất; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực xây dựng môi trường giáo dục…

Khi xây dựng quy chuẩn hoàn thiện, Bộ sẽ rà soát lại đội ngũ giáo viên, xác định số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn, tỷ lệ cần bồi dưỡng, đào tào lại để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo. Chủ trương quy chuẩn giáo viên của Bộ GD&ĐT là rà soát, bồi dưỡng để đạt chuẩn, chứ không phải là rà soát để loại ra khỏi hệ thống những giáo viên chưa đạt chuẩn.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/sinh-vien-su-pham-thuc-su-gioi-khi-ra-truong-se-duoc-sap-xep-viec-lam-nhu-cac-truong-quan-doi-cong-an-453568/