Bộ GTVT đề nghị dừng phạt lỗi hộp đen vì cước 3G

(Doanh nghiệp)-

( Doanh nghiệp )-

Sau khi các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã kiến nghị về việc các doanh nghiệp viễn thông lớn thay đổi cách tính giá cước truyền dữ liệu dẫn đến chi phí dịch vụ 3G tăng đột ngột, khiến hàng chục ngàn thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô ngừng hoạt động trên diện rộng do không kịp nạp tài khoản.

Hiệp hội này cũng đã kiến nghị cả Bộ Công Thương, Bộ Tài chính vào cuộc trong việc 3G tăng cước bất thường, đồng thời đề nghị Viettel áp dụng cách tính cước đúng theo lưu lượng truyền tin thực tế (không tính theo block) đối với các gói cước trên ô tô vận tải hành khách và hàng hóa.

Theo Bộ GTVT, cách tính block cước của Viettel đã tạo ra một gánh nặng chi phí lớn đối với đơn vị kinh doanh vận tải (đơn vị có 100 xe sẽ phải tăng thêm chi phí từ 8 - 10 triệu đồng/tháng), trái với tinh thần của Nghị quyết 02/NQ ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tạm thời không xử phạt các phương tiện ô tô bị tê liệt, không trích xuất được thông tin

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc đổ đầu khó khăn lên doanh nghiệp vận tải thì cuối cùng người chịu thiệt chính là người dân sử dụng dịch vụ hàng hóa.

Bộ GTVT cho rằng, ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã phản ánh đúng thực trạng khó khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải. Vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát tạm thời không xử lý vi phạm đối với các chủ xe, lái xe trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) không hoạt động đúng quy định do tài khoản thuê bao 3G hết tiền đột ngột, thời gian áp dụng đến hết ngày 30/11/2013.

Cước 3G làm tê lệt "hộp đen"

Các thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) hay còn gọi tắt là hộp đen gắn trên các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô được coi là một ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần rất lớn vào việc thiết lập trật tự trong kinh doanh vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông và thúc đẩy hoạt động giao thông, vận tải phát triển bền vững.

Khi hộp đen được tích hợp GPS, kết nối mạng internet qua 3G, các thông tin có thể truyền trực tiếp về máy chủ trong suốt quá trình phương tiện giao thông vận hành. Mọi động thái có thể được theo dõi chi tiết và cảnh báo các sự cố có thể xảy ra.

Các thiết bị hộp đen tê liệt vì giá cước 3G tăng đột ngột

Đương nhiên, khi các doanh nghiệp, tổ chức tích hợp GPS, kết nối 3G, các nhà mạng viễn thông, điện thoại di động sẽ tính cước. Cước tính của các dịch vụ này không bình thường ở chỗ, dữ liệu truyền tải nhiều, hình ảnh lớn giá cước cũng vì thế mà tăng cao. Trong khi đó, hoạt động vận tải những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc bỏ dịch vụ vì lỗ nặng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 91/NĐ-CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/7/2013, xe vận tải hành khách và hàng hóa không gắn TBGSHT, hoặc có lắp đặt nhưng không hoạt động sẽ bị xử phạt tiền, kèm theo hình phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh vận tải.

Thế nhưng, quyết định tăng giá cước 3G được Bộ Thông tin và truyền thông cho phép 3 nhà mạng viễn thông là Mobifone, Vinaphone, Viettel áp dụng mới đây, đã thêm một lần nữa đẩy các doanh nghiệp vận tải vào thế khó, nguy cơ các TBGSHT sẽ không hoạt động được, doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn.

Nhà mạng bắt tay tăng cước, dân kêu chất lượng kém

Ngày 16/10, giá cước 3G của cả ba nhà mạng lớn đã đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40%. Cụ thể, các gói cước như Mimax của Viettel, gói Max của VinaPhone và MIU của MobiFone được điều chỉnh tăng thêm 20.000 đồng, đồng nghĩa giá cước tăng 40% lên 70.000 đồng, từ mức 50.000 đồng hiện nay.

Trong khi đó, báo cáo "Khảo sát mức độ hài lòng của người dùng 3G tại 3 thành phố Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh" công bố hồi tháng 5/2013 cho biết, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền. Có tới 56% người dùng 3G mong muốn nhà mạng cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng mạng.

Thế nhưng, mặc dù dịch vụ 3G đã được triển khai ở Việt Nam gần bốn năm nay, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng về dịch vụ này. Việc kiểm tra chất lượng dịch vụ 3G chỉ dựa trên cam kết của các doanh nghiệp (DN) viễn thông.

Việc tăng cước lần này đây là lần thứ 2 các nhà mạng tại VN tăng cước trong năm nay. Trước đó, gói cước các nhà mạng lớn tại VN bất ngờ tăng giá cước lên đến 30% vào tháng 4/2013.

Thái Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-gtvt-de-nghi-dung-phat-loi-hop-den-vi-cuoc-3g-2358306/