Bộ GTVT nói gì về trạm thu phí Cai Lậy, Tào Xuyên

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình vừa giao Bộ GTVT chủ trì rà soát, xử lý các bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT. Tiền Phong trao đổi với Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông xung quanh các nội dung này.

Trạm thu phí Tào Xuyên - Thanh Hóa. Ảnh: Như Ý.

Thưa ông, những ngày qua, căng thẳng về trạm thu phí BOT lại xảy ra tại trạm Cai Lậy – Tiền Giang khi lái xe dùng tiền lẻ đựng trong chai nhựa để trả, gây ách tắc giao thông tại trạm trong nhiều giờ. Bộ có trách nhiệm như thế nào trong việc xử lý sự việc này?

Bộ trưởng GTVT đã phân công Tổng cục trưởng Đường bộ vào tận nơi để nắm tình hình và tìm phương hướng xử lý. Chủ trương chung của Bộ là điều chỉnh giảm giá sử dụng đường bộ đối với người dân gần trạm thu phí. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có thể tính đến các phương án khác, thậm chí có thể xem lại hợp đồng nhưng phải dựa trên báo cáo của các bên, trong đó có ý kiến địa phương.

Bộ GTVT vừa công bố tạm dừng trạm thu phí Tào Xuyên (đặt tại Dốc Xây - Thanh Hoá) là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, việc thời gian thu phí của trạm này giảm đến 20 năm so với kế hoạch cho thấy việc lập dự án của Bộ GTVT quá xa với thực tế?

Việc thay đổi thời gian thu dao động lớn như trên do tình hình cụ thể tại từng trạm. Trạm thu phí Tào Xuyên trước đây đặt tại xã Tào Xuyên, huyện Hoằng Hoá, gần thành phố Thanh Hoá. Sau đó, người dân và chính quyền địa phương có ý kiến nên Bộ GTVT đồng ý di chuyển trạm ra khu vực dốc Xây (giáp ranh giữa tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá - PV).

Ở vị trí trước đây, có nhiều đường nhánh nên lưu lượng phân tách. Sau khi chuyển ra Dốc Xây, tuyến đường gần như độc đạo, lưu lượng xe qua trạm tăng nên có biến động lớn về nguồn thu, dẫn đến rút ngắn thời gian thu phí.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Sau khi quyết toán, giá trị công trình giảm xuống, Bộ GTVT có hai phương án điều chỉnh gồm giảm mức phí hoặc rút ngắn thời gian thu phí. Bộ GTVT tập trung vào phương án nào?    

Chúng tôi đang rà soát tổng thể và xem xét cả hai phương án giảm mức thu và thời gian thu. Trong đó, chúng tôi ưu tiên giảm mức phí. Tuy nhiên, không thể áp dụng chung cho tất cả các trạm. Có những khu vực theo phương án tăng trưởng phương tiện cao, có những khu vực tăng trưởng thấp nên phải áp dụng các biện pháp khác nhau.

Theo chỉ đạo chung của Chính phủ, nhằm ổn định nền kinh tế, phương án ưu tiên là giảm giá, giảm thời gian thu không phải là yếu tố đầu tiên.

Tuy nhiên, mọi quyết định phải thương lượng với nhà đầu tư vì Nhà nước đã ký hợp đồng với họ và họ ký hợp đồng với tổ chức tín dụng nên có những ràng buộc.

Với trạm Tào Xuyên, chỉ trong 7 năm đã thu đủ tiền cho dự án. Như vậy, những người qua trạm đã phải trả giá cao hơn nếu như dự án thu trong 27 năm. Có người đặt vấn đề cần trả lại chi phí cho những người này, Bộ GTVT nghĩ gì về đề nghị đó?

Như đã nói, trạm Tào Xuyên có đặc thù do chuyển vị trí trạm. Rộng ra, chúng ta cần đặt dự án vào thị trường kinh doanh. Nếu chúng ta đưa ra các điều kiện mà không ai dám đầu tư nữa sẽ ra sao? Điều cần bàn nhất là có một phương án tài chính hợp lý, khả thi để nhà đầu tư có thể tham gia và hạn chế ảnh hưởng đến người dân, sự cạnh tranh quốc gia và chi phí vận tải.

Tức là có biện pháp nào hài hoà nhất lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả giải pháp hài hoà vẫn có sự hơn/thiệt, được/mất. Người dân được đi đường tốt hơn nhưng họ chịu thiệt vì phải trả phí; Doanh nghiệp có lợi ích nhất định nhưng họ cũng phải bỏ công sức, thậm chí cả rủi ro trong thực hiện dự án.

Nếu chúng ta nghe theo những ý kiến của một bộ phận cho rằng, BOT chỉ toàn là bất cập thì không phải làm gì và không có hệ thống đường giao thông trong bối cảnh hiện nay.

Cảm ơn ông.

Sỹ Lực (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-gtvt-noi-gi-ve-tram-thu-phi-cai-lay-tao-xuyen-1176067.tpo