Bỏ mặc nạn nhân TNGT: Giống chuyện làng Vũ Đại bị Chí Phèo chửi

Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự thờ ơ với nạn nhân thường xuất hiện khi có đám đông. Nhiều người không cảm thấy day dứt vì nghĩ mình không làm thì sẽ có người khác làm.

Sáng 29/2 tại phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng. Hiện nay, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xôn xao về việc nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, xe cấp cứu đến quá muộn và nhiều lái xe taxi, người đi đường không dừng lại đưa nạn nhân đi cấp cứu mà chỉ đứng xem rồi bỏ đi hoặc cố tình né tránh sự giúp đỡ và bỏ đi.

Nhiều người dân chứng kiến sự việc nhưng lại thờ ơ với việc giúp đỡ đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Bà Trương Thị Hoa - Giảng viên tâm lý trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, sự thờ ơ của những người xung quanh chính là thái độ vô cảm và điều này không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Theo bà Hoa, nguyên nhân của sự vô cảm là do tâm lý sợ phiền hà, sợ bản thân bị ảnh hưởng và sợ phải chịu trách nhiệm khi giúp đỡ người khác trong những vụ tai nạn như thế này. Ngoài ra, một phần là do nhận thức của mỗi người khác nhau, thiếu sự đồng cảm với con người. Bên cạnh đó, do tâm lý đám đông, vì thấy người khác không làm gì trước sự việc này nên bản thân mỗi người cũng rất thờ ơ.

Cũng theo bà Hoa, thái độ vô cảm này cũng là lối sống của 1 bộ phân người dân trong xã hội hiện nay. “Họ luôn muốn an toàn cho bản thân nên luôn thờ ơ trước những sự việc tương tự như thế này”, bà Hoa nói.

Ông Ngô Trung Thành - Giảng viên Xã hội học trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam lại cho rằng, việc người dân chỉ đứng nhìn và không đưa nạn nhân đi cấp cứu chưa được coi là thái độ vô cảm. Bởi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, nạn nhân bị thương nặng, không phải là người có chuyên môn mà đưa nạn nhân đi cấp cứu có thể gây nguy hiểm nhiều hơn cho nạn nhân.

Ông Thành cho rằng, vụ tai nạn xảy ra quá thảm khốc, những người xung quanh chứng kiến vụ tai nạn có thể bị sốc nên chuyện người dân đứng nhìn tai nạn là điều khó tránh khỏi.

“Tuy nhiên, đáng trách nhất là người lái xe và cô gái ngồi trên xe vì đã vi phạm an toàn giao thông nhưng lại có thái độ vô cảm”, ông Thành cho biết.

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cũng cho rằng, bên cạnh việc phê phán những hành vi thờ ơ vô cảm đó chúng ta cũng nên đặt mình vào tình huống đó thì bản thân chúng ta sẽ hành xử như thế nào.

Ngoài ra, theo chuyên gia Đinh Đoàn, hành vi ứng xử của con người phụ thuộc vào môi trường rất nhiều. Ví dụ, thường khi con người gặp một người bị nạn và họ chỉ có một mình thì có thể lúc đó tính lương thiện trong con người sẽ nổi lên, họ dừng xe lại và băng bó vết thương và đưa đi bệnh viên. Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra nhưng lại có nhiều người xung quanh thì một tâm lý ỷ lại đảm đông hình thánh đó là “mình không làm thì sẽ có người khác làm, đấy đâu phải là việc của mình, còn đầy người khác kia kìa…”. Chính vì vậy con người sẽ cảm thấy an tâm hơn, không cảm thấy áy náy tội lỗi.

“Một người mà bỏ qua nạn nhân thì kiểu gì họ cũng day dứt, nhưng nếu đám đông như thế họ sẽ nghĩ rằng chắc sẽ có ai đó sẽ cứu giúp thôi nên việc tự vấn lương tâm không được cao. Cái này cũng là tình trạng chung trong xã hội, một tâm lý ỷ lại, tâm lý chủ quan không phải của mình cũng giống như việc Chí Phèo chửi cả làng thì không ai động lòng, ai cũng nghĩ là Chí chửi người khác không phải mình… Đó là ảnh hưởng của đám đông, chính vì vậy khi công an đến, việc đầu tiên bao giờ cũng là giải tán đám đông”, Chuyên gia tâm lý Đình Đoàn cho biết.

NGUYỄN TUYẾT – HOA TRẦN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/bo-mac-nan-nhan-tngt-giong-tam-ly-lang-vu-dai-cua-chi-pheo-a134925.html