Bỏ ngay kiểu uống nước mía sau nếu không muốn rước bệnh vào người

Nước mía là một loại nước giải khát vô cùng phổ biến trong những ngày hè oi ả. Tuy nhiên, nếu không biết uống nước mía đúng cách sẽ dễ gây hại cho sức khỏe.

 Uống nước mía sai cách có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: HealthifyMe

Uống nước mía sai cách có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh: HealthifyMe

Uống nước mía là thói quen của nhiều người trong những ngày mùa hè. Theo đông y, nước mía có tính mát, thanh nhiệt, nhuận tràng, vị ngọt. Thậm chí, nước mía còn có tác dụng trong chữa ho khan, mất dịch vị, miệng khô khát, nôn ọe nhiều, mệt mỏi.

Tuy nhiên, nếu bảo quản và uống nước mía không đúng cách sẽ dễ gây hại cho sức khỏe của người dùng. Dưới đây là 1 số lưu ý khi bảo quản và uống nước mía, giúp người dùng tránh “rước họa vào thân”.

Không nên để nước mía quá lâu trong tủ lạnh

Nhiều người mua nước mía về nhưng chưa uống ngay hoặc vô tình quên mất. Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc.

Ngoài ra, nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường cao nên nếu bảo quản quá lâu trong tủ lạnh có thể gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, những người tì vị hư yếu, hay đầy bụng, đi lỏng và những người bị tiểu đường không nên uống nước mía, đặc biệt là nước mía quá lạnh.

Không uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc

Chất policosanol có trong nước mía giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía. Bởi các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol, khiến công dụng của nó trở nên vô nghĩa.

Những người béo phì không nên uống nhiều nước mía. Ảnh: NDTV Food

Những người béo phì không nên uống nhiều nước mía

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đường chiếm 70% lượng dinh dưỡng trong nước mía, còn lại là chất béo, đạm và bột. Vì vậy, nước mía cung cấp rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng, dễ gây tăng cân, béo phì. Những người đang muốn giảm cân nên hạn chế loại thức uống này. Đồng thời, những người có nguy cơ bị tiểu đường cũng không nên uống nước mía.

Phụ nữ mang thai không nên uống nhiều nước mía

Nước mía có tác dụng làm giảm bớt chứng nghén của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên không nên xem nước mía như một thực phẩm chủ đạo hàng ngày. Vì theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm rất nhiều chất từ các nguồn thực phẩm khác nhau, trong khi thành phần cơ bản của nước mía là đường. Nạp quá nhiều đường trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, gây ảnh hưởng cho sức khỏe của mẹ và bé.

Dương Hòa (T/h)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suc-khoe/bo-ngay-kieu-uong-nuoc-mia-sau-neu-khong-muon-ruoc-benh-vao-nguoi-676065.bld