Bổ nhiệm thừa, tinh giản biên chế không biết gạch ai

Nhiều cơ quan Sở thừa biên chế lãnh đạo so với đề án vị trí việc làm nhưng tinh giản biên chế không biết chọn tên ai.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về việc Thanh tra tỉnh Thái Nguyên ghi nhận Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên thừa 23 vị trí lãnh đạo so với đề án vị trí việc làm.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp có 5 phòng, ban chuyên môn thì cả 5 đều có số lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên hoặc vượt quá số lượng đề án quy định.

Cấp lãnh đạo nhiều hơn nhân viên thành... phổ biến.

Thậm chí, có trường hợp Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng (thuộc Ban Quản lý dự án của Sở này) để xảy ra sai phạm về giá trị quyết toán công trình gần 162 triệu đồng mà vẫn được lên chức.

Khi Thanh tra tỉnh kiến nghị kiểm điểm vị lãnh đạo này lên UBND tỉnh thì lại được giải quyết bằng cách lập 3 chuyên ngành để kiểm tra và vị Giám đốc trên lại được bổ nhiệm... lên chức.

Hoặc, cũng tại Sở này, nhân viên làm việc ở một doanh nghiệp tư nhân bỗng chốc được thăng chức Phó phòng và 1 năm sau được quy hoạch lên Trưởng phòng vẫn khăng khăng bản thân được bổ nhiệm... đúng quy trình!

Cách đây mới nửa tháng, tỉnh Hải Dương cũng ghi nhận việc bổ nhiệm... thừa lãnh đạo khi Sở LĐ,TB&XH tỉnh này có 44/46 người là lãnh đạo cấp phó phòng.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ, 228 hồ sơ được bổ nhiệm thiếu một số văn bằng, chứng chỉ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm. Một số trường hợp bổ nhiệm thực hiện không đầy đủ trình tự. 20 cơ quan ký 213 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính Nhà nước không đúng quy định của pháp luật.

Thêm nữa, còn có 6 cơ quan sử dụng vượt quá số lượng lãnh đạo cấp phó.

Ở Cao Bằng, UBND tỉnh tổ chức 2 kỳ thi và tuyển được 87 công chức nhưng không nêu số lượng biên chế công chức từng cơ quan, vị trí việc làm trong kế hoạch tuyển dụng.

UBND tỉnh Cao Bằng cũng tiếp nhận 37 trường hợp không qua thi tuyển. Một số cơ quan còn sử dụng 24 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn trong cơ quan hành chính Nhà nước không đúng quy định.

Hàng loạt các cơ quan hành chính sau khi Thanh tra vào cuộc mới thấy thừa biên chế cả... lãnh đạo. Nhưng tới khi thực hiện tinh giản biên chế thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói "không có đối tượng để giảm"!

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, tiêu chuẩn để cắt giảm biên chế có 8 - 9 tiêu chí nên rất khó thực hiện. Từ đó, ông quay ngược sang việc dự định sửa lại Nghị định của Chính phủ bởi quá khó làm.

Nhưng trước đó ông cũng quyết liệt phê bình các địa phương ngại va chạm nên chậm xây dựng các kế hoạch tinh giản biên chế.

Sự cảm thông trong khó khăn khi tinh giản biên chế xuất phát từ thực tế một quận ở TPHCM đã tâm sự rằng, tinh giản biên chế trở thành một nỗi lo canh cánh bởi sau khi đã bổ nhiệm rồi, nhiều đối tượng muốn nghỉ cũng không dễ.

Nhiều đại biểu là lãnh đạo các phòng Nội vụ quận, huyện cũng cho biết, việc tinh giản biên chế gặp khó khăn vì dân số đông, khối lượng công việc rất lớn. Mặt khác, thực tế chỉ có thể đề xuất tinh giản biên chế với những người không hoàn thành nhiệm vụ, song điều này rất khó khăn.

Trước câu chuyện dở khóc dở cười vì đông người vẫn thiếu việc và bị áp chỉ tiêu tinh giản biên chế, cũng có câu chuyện dở cười dở khóc khác khi một phòng có 5 người thì có 4 lãnh đạo.

Thực tế trớ trêu này còn dẫn đến kết quả là kẻ không làm được việc, có thể thuộc diện tinh giản biên chế thì lại rơi vào các đối tượng "con cháu các cụ, thân quen với lãnh đạo". Thêm vào đó, khi xây dựng đề án vị trí việc làm, nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị không xác định được khối lượng công việc và không xác định được cơ cấu công chức theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu.

Cắt giảm biên chế: Sao tinh giản người biết làm việc?

Do vậy, lượng ngân sách chi lương cho cán bộ vẫn cao ngất nhưng bình quân ra số người được hưởng lương không đủ so với năng lực bỏ ra, gây tâm lý phải "đi làm ngoài" để có được thu nhập.

Tiến sĩ Trần Xuân Cầu - nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội từng chia sẻ trên VOV, các cơ quan nhà nước đều có số cán bộ, công chức chỉ “uống nước chè và tán gẫu". Nếu tinh giản được số này, theo tính toán của TS. Cầu thì chúng ta sẽ có được lượng nhân sự chất lượng cao, biết cống hiến và được hưởng mức lương tương xứng.

"Từ nay tới năm 2018, chúng ta cần có 300 - 400.000 tỷ đồng (15 – 18 tỷ USD) để lương cơ sở tiếp cận lương tối thiểu vùng. Lúc đó: Lương giáo sư, giảng viên cao cấp hết bậc (8,00) được 28 triệu đồng/tháng. Đây là phương án tuyệt vời”- TS. Cầu nói.

Quyền Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-nhiem-thua-tinh-gian-bien-che-khong-biet-gach-ai-3330868/