Bộ NN-PTNT đề nghị không truy thu thuế trứng Artemia

Trong công văn phúc đáp văn bản của Bộ Tài chính đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc truy thu thuế mặt hàng trứng Artemia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu Chính phủ không truy thu thuế đối với những doanh nghiệp (DN) sản xuất tôm giống.

Đề nghị xem xét không truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia

Trứng bào xác Artemia (Artemia cyts) là loại thức ăn đặc biệt dùng trong sản xuất giống thủy sản, trong đó chủ yếu là dùng sản xuất tôm giống (thức ăn trực tiếp của tôm giống là ấu trùng Artemia nở từ trứng Artemia sau 10 đến 15 tiếng ấp trứng).

Việc sử dụng trứng Artemia có tác dụng nâng cao chất lượng đàn tôm giống, góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả sản xuất cho tất cả các khâu nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tôm.

Trong Thông tư 67 của Bộ NN-PTNT đã ban hành thì danh mục bổ sung thức ăn hỗn hợp dùng trong nuôi trồng thủy sản đươc phép lưu hành tại Việt Nam đã quy định: Sản phẩm trứng Artemia nhập khẩu dùng làm thức ăn cho tôm chứ không dùng cho mục đích nào khác.

Theo Bộ NN-PTNT thì trong bối cảnh tham gia hội nhập quốc tế và thực trạng biến đổi khí hậu gay gắt hiện nay, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt. Tình trạng hạn hán kéo dài và bất thường, dịch bệnh trên tôm vẫn có khả năng xảy ra trên diện rộng, giá tôm nguyên liệu ở các thị trường luôn có sự bất ổn, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 3,15 tỷ USD giảm sâu so với năm 2014 (3,95 tỷ USD).

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, theo báo cáo của Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, có một số DN sản xuất tôm giống bị truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia lên tới hàng chục tỷ đồng, có DN phải ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí vừa phải chi trả số tiền bị truy thu, vừa phải duy trì sản xuất đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất, chất lượng con giống. Bên cạnh đó, số tiền thuế bị truy thu không thể lấy lại từ người nuôi do khi tính giá thành con giống bán cho người nuôi, DN áp giá của mức thuế nhập khẩu Artemia 0%.

Bộ NN-PTNT đề xuất: Để từng bước nâng cao chất lượng tôm giống, tạo tiền đề và cơ sở bứt phá đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống phục hồi sau thời gian khó khăn, Bộ NN-PTNN đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu Chính phủ không truy thu thuế đối với những DN sản xuất tôm giống.

Ngành tôm đang gặp nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp bị truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia

DN tôm mong muốn không bị truy thu thuế

Là cơ quan chuyên môn, Bộ NN-PTNT đã có ý kiến hợp lý và mong muốn DN tôm không bị truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia nhưng Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm của mình.

Trong công văn 3805, trình Chính phủ về truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia, Bộ Tài chính nêu quan điểm nếu không truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia thì chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế; không công bằng đối với DN cùng nhập khẩu mặt hàng này đã khai báo và nộp thuế đúng theo mã số 05119100; không công bằng đối với DN kinh doanh thương mại cùng nhập khẩu mặt hàng này; tạo tiền lệ để các DN khác cố tính khai sai nhằm hưởng mức thuế thấp nhất.

Căn cứ vào công văn của Bộ Tài chính, vào ngày 26/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn 4251, đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất tôm giống liên tục kêu cứu vì bị truy thu thuế đối với loại sản phẩm thức ăn nhập khẩu cho tôm là trứng Artemia với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Theo nguồn tin Báo Người Tiêu Dùng nhận được, trong số những công ty bị truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia sắp có DN sẽ phải phá sản như Công ty Toàn Hưng. Những DN khác như như Công ty Thông Thuận, Khai Nhat và Anh Việt cũng hết sức khó khăn vì số tiền truy thu quá lớn.

Theo Công ty Thông Thuận lý giải thì các lô hàng nhập khẩu trứng Artemia về trước đây đã tính toán giá thành rồi bán cho người nông dân, bây giờ cơ quan chức năng đòi truy thu thuế. Bản thân DN không biết lấy tiền ở đâu để bù lại khoản thu này?

Các DN nhập khẩu trứng Artemia luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao hồ sơ nhập khẩu của DN trước đây đã được phía hải quan chấp thuận và cho thông quan, doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi, hà cớ gì phải đến tận sau 5 năm, hải quan mới rà soát lại để rồi khẳng định là DN vi phạm và áp thuế truy thu hàng tỷ đồng?

Hơn nữa, việc rà soát muộn như vậy khiến các DN trước đây tưởng được miễn thuế Artemia đã không tính toán vào giá bán nên giờ không thể truy thu của người bán tôm, cái này ai sẽ bù cho họ? Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu DN sản xuất tôm giống tiếp tục bị truy thu thuế thì sẽ dễ dẫn đến phá sản .

Cũng theo đại diện của Công ty Thông Thuận, việc áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm trứng Artemia không khác gì việc “bỏ con tôm, bắt con tép” vì thuế thu được không đáng bao nhiêu so với thiệt hại nặng nề mà ngành sản xuất tôm giống và tôm thịt của Việt Nam sẽ gặp phải trong thời gian tới. Tăng thuế tức là giá bán cao hơn, người sản xuất và người dân sẽ chuyển sang dùng thức ăn thông thường thay vì trứng Artemia, chất lượng tôm giống giảm và dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới.

Qua sự việc này, lãnh đạo một DN nuôi tôm khác ở Bình Thuận cho rằng đây thực sự là một lỗ hổng trong công tác quản lý của Bộ Tài chính. Bởi việc để cho DN nhập khẩu nói chung khi tự kê khai, nếu sai sau vài năm mới xem xét, rồi truy thu thì rất có thể sẽ gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Chẳng hạn, một DN nhập các mặt hàng về, sau đó kê khai sai mã thuế, không bị áp thuế, hoạt động được một vài năm rồi phá sản. Khi hải quan phát hiện họ kê khai sai, truy thu thuế thì họ đã phá sản, như vậy sẽ dẫn đến thất thoát cho Nhà nước. Khi không thu được tiền thuế của doanh nghiệp này ai sẽ chịu trách nhiệm?

Giám đốc công ty này cũng đề nghị: Tại sao các Chi cục Hải quan không có một bộ phận phân tích hải quan độc lập. Sau khi các DN tự khai xong, phòng này sẽ kiểm tra phân tích rõ ràng. Nếu đúng cấp chứng chỉ, cho nhập. Từ đó, các DN nhập khẩu các mặt hàng đó thì cứ thế mà làm, không cần mất nhiều thời gian. Nếu sai thì thông báo để DN sửa, không dẫn đến sai lại thêm chồng chất sai. Còn nếu đã có phòng với chức năng như vậy, tại sao lại không công khai, không hướng dẫn cho DN được biết?

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/bo-nn-ptnt-de-nghi-khong-truy-thu-thue-trung-artemia-d57953.html