Bộ NN-PTNT gửi công điện khẩn trương ứng phó bão số 10

Bộ NN-PTNT vừa có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) về việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ứng phó với bão số 10.

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa bão đến sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi

-Huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa HT và lúa mùa đã chín, diện tích rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh ảnh hưởng thiệt hại do bão số 10 gây ra.

-Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bão số 10; chủ động tiêu thoát nước đệm để tránh gây ngập úng cho lúa và rau màu. Tiếp tục tăng cường nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị sẵn sàng tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu kết hợp tiêu thoát theo thủy triều qua các cống thoát để chủ động cứu lúa và rau mầu khi xảy ra ngập úng. Có kế hoạch khoanh vùng ưu tiên tiêu thoát nhanh cho những diện tích bị ngập nặng cục bộ.

-Tạm dừng việc gieo trồng cây vụ đông trong thời gian dự báo xảy ra mưa bão.

-Sau khi mưa bão kết thúc, chỉ đạo phòng trừ bệnh bạc lá, kết hợp với các đối tượng sâu bệnh khác theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cây vụ đông cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết; chuẩn bị đủ nguồn hạt giống để đáp ứng đủ yêu cầu của sản xuất và dự phòng trong trường hợp phải gieo trồng lại;

-Chuẩn bị đủ số lượng thức ăn chăn nuôi dự trữ cho đàn gia súc, gia cầm trong những ngày mưa bão (ít nhất là 10 ngày); gia cố chuồng trại và có phương án di dời đàn gia súc, gia cầm lên cao ở những nơi có nguy cơ ngập, úng; khẩn trương đưa đàn gia súc chăn thả về nơi tránh trú bão an toàn;

-Chỉ đạo các đơn vị trong ngành bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10 để có biện pháp ứng phó kịp thời; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xử lý nhanh và kịp thời những phát sinh đột xuất; có biện pháp tích cực phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và chuột hại trên lúa, rau màu.

2. Lĩnh vực thủy sản

-Tiếp tục kiểm đếm, nắm chắc tình hình tàu cá đang hoạt động trên biển, trong khu neo đậu tránh trú bão và tại các bãi ngang ven biển; thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, cập nhật kịp thời hướng di chuyển và cường độ của bão để thông báo cho thuyền trưởng, các chủ phương tiện chủ động phòng tránh bão an toàn;

-Các địa phương dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10 cử cán bộ có kinh nghiệm phối hợp với các lực lượng khác đến khu neo đậu tàu thuyền tập trung và khu neo đậu tránh, trú bão hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền theo quy định của Bộ NN-PTNT và điều kiện thực tế khu neo đậu.

-Các địa phương dự báo bị ảnh hưởng của bão số 10 có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển và ven bờ, triển khai một số nội dung sau:

+ Đối với một số đối tượng nuôi ở vùng nguy hiểm, nguy cơ thiệt hại cao hướng dẫn người dân thu tỉa sớm.

+ Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhỏ. Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng, gió.

+ Che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để tránh thất thoát sản phẩm nuôi.

+ Tuyệt đối không để dân ở lại trên tàu cá và các chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trong thời gian bão đổ bộ vào bờ.

-Yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng:

+ Tháo dỡ các dàn đèn cao áp, dàn phơi hải sản trên tàu cá và cất giữ vào nơi an toàn.

+ Không để ngư cụ khai thác hải sản và các vật dụng khác trên mặt boong;

+ Các tàu đậu gần nhau phải có đệm chống va và sắp xếp các tàu có cùng kích cỡ.

+ Sử dụng các dây neo, dây mũi cột tàu đảm bảo về đường kính và chiều dài dây.

+ Một số tàu nhỏ phải kéo lên bờ theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT.

Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) triển khai thực hiện nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình và báo cáo kịp thời về Bộ NN-PTNT (Cục Trồng trọt; Cục Chăn nuôi; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN chuyên ngành Thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Cục Kiểm ngư, ĐT: 0243. 7710294, Fax: 0243. 835.3363; Email: pclbts.trucban@mard.gov.vn) để chỉ đạo, xử lý các tình huống trong và sau bão.

PV

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bo-nn-ptnt-gui-cong-dien-khan-truong-ung-pho-bao-so-10-post202518.html