Bỏ quên nướu răng giả trong khí quản gần 2 năm

Nam bệnh nhân bị mất 3 chiếc răng giả trong tai nạn cách đỏ gần 2 năm. Một mảnh trong phần nướu giả của 3 chiếc răng đã rơi vào đường thở mà bệnh nhân không biết.

ThS-BS Nguyễn Quang Tú, người tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 4-8 kể lại: Cách đây gần 2 năm, nam bệnh nhân L.T.Đ. (39 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) bị tai nạn giao thông, có chấn thương vùng cổ và đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và bị mất 3 răng giả trong lần tai nạn này. Khoảng 1 tháng trước, anh bắt đầu cảm thấy khó chịu nhiều, khó thở, khàn tiếng rất nặng. "Nhiều hôm ngủ dậy mệt lắm, nói không ra tiếng luôn" - anh Đ. kể. Sau đó, anh đi khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM. Qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện một dị vật lạ nằm trong đường thở của bệnh nhân, gây viêm, bít một phần đường thở.

Anh Đ. đã hồi phục rất tốt sau khi được các bác sĩ loại bỏ dị vật

Dị vật được xác định là một bản nhựa hình tam giác cong 2x4cm, nằm vắt ngang ở khu vực bên dưới thanh môn, đoạn đầu khí quản. Để giải quyết, các bác sĩ đã tiến hành nội soi thanh – khí quản để lấy dị vật ra. Mảnh nhựa ấy chính là một phần nướu răng giả liên kết 3 chiếc răng anh Đ. đánh mất trong tai nạn ngày xưa. Theo BS Tú, nếu để dị vật lâu hơn nữa trong đường thở, nó có thể gây viêm nặng nề hơn, thậm chí chặn toàn bộ đường thở của bệnh nhân và có thể gây ra nhiều biến chứng khác.

ThS-BS chuyên khoa II Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết việc hóc và bỏ quên dị vật là một tình huống các bác sĩ gặp khá nhiều. Trong đó, ca lâu nhất là một bệnh nhân bỏ quên hạt sa-pô-chê đến... 43 năm. Sau nhiều năm tháng điều trị bệnh hô hấp, bệnh phổi, thậm chí bị xẹp phổi, viêm phổi nặng, dị vật mới được tìm ra. Riêng về hóc răng giả thì trong 10 năm nay, bệnh viện cũng tiếp nhận vài chục trường hợp. Vì vậy, ông khuyên người dân nên chú ý hơn việc sử dụng răng giả, nhất là ở người lớn tuổi. Mất răng lâu năm, phần nướu bị teo lại khiến răng giả dễ bị tuột ra và khiến người bệnh nuốt luôn răng giả.

Theo PGS-TS-BS Trần Phan Chung Thủy, việc dị vật vào đường thở không phổ biến bằng đường ăn, bởi cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Trong trường hợp này, có thể do bệnh nhân hôn mê, các phản xạ bị rối loạn khiên chiếc răng giả đi lạc đường. Nướu răng giả bị "bỏ quên" lâu vậy vì hai lý do: thứ nhất là nhựa không cản quang, khó phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh; thứ hai là dị vật không bít hoàn toàn đường thở và nằm cố định nên bệnh nhân vẫn thở được và không đau nhiều. Theo bà, trường hợp này rất may mắn vì dạng dị vật này dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí một ngày nào đó có thể khiến bệnh nhân vào cơn khó thở nghiêm trọng, phải cấp cứu thì việc xử lý sẽ rất khó khăn.

A. Thư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/bo-quen-nuou-rang-gia-trong-khi-quan-gan-2-nam-20170808094957725.htm