Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được chế tạo, kinh doanh, XNK vũ khí

Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội chính thức thông qua chiều 20/06/2017 với 93,08% số đại biểu tán thành.

Tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1.

Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm8 chương, 76 Điều. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/07/2018.

Điểm đáng chú ý nhất của Luật này là Điều 17 quy định cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng có nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí. Đây là điểm mới so với luật trước đây khi chỉ quy định Bộ Quốc phòng được tham gia vào những hoạt động này.

Về vấn đề này UBTVQH giải trình: “Văn kiện của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật đã thể hiện nhất quán quan điểm về xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng là bộ phận của nền công nghiệp quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính tới việc huy động các cơ sở công nghiệp dân sự vào hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh khi cần thiết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, sau khi cân nhắc nhiều mặt, UBTVQH trân trọng đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý Điều 17 theo hướng quy định nguyên tắc về chủ thể được thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí và bỏ nội dung quy định tại Điều 18 của dự thảo Luật trình Quốc hội để giao Chính phủ quy định cụ thể nhằm áp dụng linh hoạt trong thực tiễn như đã chỉnh lý trong dự thảo Luật”.

Theo Điều 18 của Luật, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 17. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí

1. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí.

2. Tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-quoc-phong-va-bo-cong-an-duoc-che-tao-kinh-doanh-xnk-vu-khi-post230219.info