Bỏ ruộng làm homestay, nông dân Mai Châu kiếm vài chục triệu mỗi tháng

Không còn phải sống dựa vào nghề trồng lúa, chị Minh Thơ (Thôn Hịch 2, Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình) cho biết, nhờ làm du lịch homestay mà mỗi tháng gia đình chị kiếm hàng chục triệu đồng khiến cuộc sống “dễ thở” hơn rất nhiều.

Nắm bắt được xu hướng khách du lịch thường lựa chọn homestay trong các tour đưa khách đi du lịch trải nghiệm, nhiều hộ nông dân ở Mai Châu (Hòa Bình) đã chuyển đổi sang làm du lịch cộng đồng.

Bản Lác, xã Chiềng Châu là một điểm du lịch văn hóa cộng đồng nổi tiếng của Hòa Bình. Trước đây dân bản chỉ chỉ sống dựa vào nghề trồng lúa và dệt thổ cẩm. Từ những năm 1962, nơi đây đã được chọn là điểm tham quan của các đoàn khách quốc tế khi đến Việt Nam. Sau này, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần thu hút được du khách trong nước và quốc tế đến khám phá và trải nghiệm.

Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức cho phép khách du lịch được nghỉ qua đêm trong bản. Cũng từ đó, cái tên bản Lác được biết đến trên bản đồ du lịch trong nước.

Nhờ làm du lịch homestay mà cuộc sống của người dân bản Lác (Mai Châu) “dễ thở” hơn rất nhiều

Anh Mừng (trưởng Bản Lác) và cũng là 1 trong những chủ hộ homestay ở đây cho biết, bản hiện có 120 hộ nhưng có đến 55 hộ làm du lịch. Riêng nhà anh Mừng bắt đầu làm du lịch từ năm 2000. Hiện, nhà anh có 2 “sàn” và 5 phòng vệ sinh, đủ chỗ cho 60-80 khách.

Vào mùa cao điểm của du lịch Mai Châu (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), giá thuê 1 sàn (khoảng 30-40) khách là khoảng 800 -1.000 triệu đồng/ ngày đêm. Ngoài ra, nếu kèm ăn uống thì giá từ 80.000 đồng/suất trở lên tùy “túi tiền” của khách. Tuy nhiên, lượng khách homestay chỉ đông vào cuối tuần”, anh Mừng cho hay.

Từ ngày chuyển sang làm du lịch, anh Mừng chia sẻ, cuộc sống của gia đình anh đã khá lên rất nhiều. Các con anh cũng vì thế mà được ăn mặc, học hành đầy đủ.

“Trừ hết các khoản chi phí thì mỗi tháng gia đình tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng, có tháng được hơn 20 triệu đồng và cũng có tháng kiếm được nhiều hơn”, anh Mừng chia sẻ.

Chị Minh Thơ đang sửa soạn chăn gối phục vụ khách

Cũng giống như anh Mừng, chị Minh Thơ (chủ hộ Minh Thơ Homestay) có địa chỉ tại Thôn Hịch 2, Mai Hịch (Mai Châu) cho biết, trước đây chị ở nhà làm ruộng và bán rau cỏ tại chợ. Tuy nhiên, sau khi thấy xu hướng khách du lịch tìm đến Mai Châu ngày càng nhiều chị đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội chuyển sang làm du lịch từ năm 2013.

Hiện nhà chị có 28 giường dành cho khách du lịch với giá 100 nghìn đồng/khách/ ngày đêm. Ngoài ra, nếu khách có nhu cầu ăn uống, chị “ra giá” 150 nghìn đồng/bữa trưa hoặc chiều và 50.000 đồng/bữa sáng.

Ngoài ra, chị Minh Thơ còn kiếm thêm thu nhập từ việc cho khách thuê xe đạp để đạp quanh bản. Đối với khách nước ngoài, chị luôn sẵn sàng “cung cấp” phiên dịch, hướng dẫn viên…

Du khách được hòa cùng với dân bản trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống

“Khách du lịch cả tây và ta lựa chọn hình thức du lịch homestay vì họ thích được gần gũi, khám phá cuộc sống dân bản. Tại đây, du khách được thưởng thức những món đặc sản như: Thịt gà gói lá dong nướng, cá suối hấp măng chua, xôi nếp nương, uống rượu cần… Đêm xuống, khách du lịch lại được hòa mình trong không gian của những điệu xòe mê đắm lòng người”, chị Minh thơ cho hay.

Theo chị Minh Thơ, ngoài cơ hội được giao tiếp và chia sẻ với khách du lịch – niềm vui mà trước đây khi còn làm ruộng không bao giờ dám mơ đến – thì làm du lịch còn mang lại cuộc sống ấm no, khá giả về tài chính cho gia đình.

“Từ khi làm du lịch, tôi thấy cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Mỗi tháng gia đình tôi thu nhập khoảng vài chục triệu đồng. Trung bình khoảng gần 20-30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi còn có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch nên cũng mở mang kiến thức và học hỏi được nhiều điều”, chị Minh Thơ chia sẻ thêm.

Để khẳng định thương hiệu của các hộ kinh doanh lưu trú du lịch Bản Lác, ngày 9/10 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức gắn biển Homestay đạt tiêu chuẩn ASEAN giai đoạn 2016-2018 cho các hộ kinh doanh lưu trú du lịch tại đây.

Tiêu chuẩn Homestay ASEAN gồm các tiêu chí như: Chủ nhà, nơi lưu trú, các hoạt động, quản lý, vị trí, vệ sinh, an toàn an ninh, marketing và các nguyên tắc bền vững…

Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, đây là giải thưởng đạt tiêu chuẩn toàn diện của nhóm các nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê được các nước trong cộng đồng ASEAN công nhận và áp dụng nhằm khẳng định chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng và tạo ra các trải nghiệm hấp dẫn, an toàn cho khách du lịch.

“Hiện có nhiều hộ đang bắt đầu làm du lịch homestay mới như trên Bao La, Hang Kia- Pa Cò…Hiện chúng tôi đang tiếp tục mở các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho người dân làm du lịch cộng đồng, kỹ năng về thuyết minh viên tại điểm…”, ông Linh cho hay.

Người dân Mai Châu không còn phải sống dựa vào nghề trồng lúa

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Đức Thịnh cũng khẳng định, ngay sau lễ gắn biển tiêu chuẩn Homestay ASEAN tỉnh sẽ có chương trình hành động với các nội dung nhằm quán triệt cho người dân, khách du lịch về vấn đề môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc của các bản, vệ sinh an toàn thực phẩm…

“Điều tôi quan tâm trước tiên là vấn đề môi trường, rồi đến tạo môi trường vệ sinh, môi trường giao tiếp thân thiện. Tôi cũng sẽ cho lập đường dây nóng để bao quát về an ninh…”, ông Thịnh khẳng định./.

Hà Giang

ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/bo-ruong-lam-homestay-nong-dan-mai-chau-kiem-vai-chuc-trieu-moi-thang-214648.html