Bổ sung phương án khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa

Hôm nay (14/4), ngành Đường sắt bổ sung phương án khoan từ trên sườn núi, bơm bê tông xuống hầm đường sắt Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa để gia cố, khắc phục sạt lở. Đây là giải pháp được đưa ra sau khi việc khắc phục trong hầm gặp nhiều khó khăn, liên tục sạt lở.

Sau khi xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió vào trưa ngày 12/4, ngành Đường sắt đã huy động nhiều phương tiện cùng hơn 200 cán bộ, công nhân khắc phục, đưa thêm khung sắt vào phía trong hầm để chống sạt lở.

Tuy nhiên, quá trình gia cố khung sắt, khoan neo tạo ô giữ và chuyển lượng đất, đá ra khỏi hầm thì địa chất hầm Bãi Gió tiếp tục diễn biến phức tạp, liên tục sạt lở thêm hàng chục mét khối đất, đá. Đến gần 18 giờ ngày 13/4, lượng đất, đá sạt lở đã kín đầy đỉnh hầm.

Các đơn vị xác định được chính xác vị trí sạt lở

Các đơn vị xác định được chính xác vị trí sạt lở

Tối ngày 13/4, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị tư vấn, thi công, chuyên gia địa chất tổ chức họp khảo sát đánh giá tại hiện trường và đưa ra phương án xử lý.

Từ sáng nay, 14/4, phía đầu nam hầm Bãi Gió tiếp tục gia cố bằng khung sắt và phun bê tông trong hầm. Phía trên đèo Cả, các đơn vị xác định tọa độ để khoan từ trên núi xuống hầm đường sắt, sau đó, bơm phun bê tông để gia cố. Phía đầu bắc hầm Bãi Gió, tiếp tục đưa khung sắt vào đoạn sạt lở để gia cố.

Đơn vị thi công đưa khung sắt vào gia cố phía trong hầm

Đơn vị thi công đưa khung sắt vào gia cố phía trong hầm

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên tiếp tục phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế tốc độ, hạn chế xe tải trọng lớn qua đèo Cả để tránh rung chấn hầm đường sắt Bãi Gió ở phía dưới. Ngành Đường sắt tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện để trung chuyển tất cả hành khách đi tàu từ ga Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa ra ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết: "Hiện nay, các đơn vị thi công, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế, giám sát đang cho máy móc lên đỉnh hầm để làm đường, đưa các thiết bị lên. Sẽ khoan và phun bê tông từ trên xuống dưới. Đây là phương án tối ưu nhất, vì bây giờ mình xử lý bên dưới thì nó sạt bên trên xuống, phải đổ bê tông từ bên trên xuống để giữ liên kết bên trên không sạt nữa".

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bo-sung-phuong-an-khac-phuc-sat-lo-ham-bai-gio-tinh-khanh-hoa-post1089067.vov