Bổ sung vào di tích quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 132/QĐ-BVHTTD bổ sung Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc vào di tích quốc gia.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 1327/QĐ-BVHTTDL về việc bổ sung di tích tại Điều 1, Quyết định số 3995/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/11/2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia.

Theo đó, bổ sung di tích Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vào di tích quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955), tỉnh Cà Mau (xếp hạng tại Quyết định số 3995/QĐ-BVHTTDL ngày 11/10/2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL).

Tàu chở bộ đội và cán bộ đi tập kết tại địa điểm tập trung. Ảnh tư liệu

Tàu chở bộ đội và cán bộ đi tập kết tại địa điểm tập trung. Ảnh tư liệu

Tại Quyết định, Bộ VHTTDL yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (bờ Nam Sông Đốc) diễn ra tại bến sông dọc theo ngã ba Sông Đốc và kênh biển Tây, cách cửa Sông Đốc khoảng 2km. Trải qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cùng với sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, giờ đây những yếu tố gốc của di tích gần như không còn nữa, ngay cả địa hình và cảnh quan thiên nhiên cũng đã thay đổi theo thời gian.

Hiện nay, Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc, tọa lạc tại khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, trên khu đất có diện tích 2.000m².

Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc là một trong những địa điểm tập kết ra Bắc cuối cùng của ta. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng của quân, dân Nam bộ. Trong thời gian 200 ngày chuyển giao tập kết tại tỉnh Cà Mau, ta có điều kiện xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đó cũng là nền tảng để Đảng ta chỉ đạo, hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi về sau.

Xếp hạng di tích quốc gia Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh, tỉnh Hưng Yên

Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng di tích quốc gia: Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Hạnh

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đình Đại Hạnh thuộc thôn Đại Hạnh, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được xếp hạng cấp tỉnh năm 2022. Đình thờ Chử Đồng Tử cùng Nhị vị Phu nhân Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa thời vua Hùng Vương Thứ 18.

Đình Đại Hạnh được khởi dựng vào thời Hậu Lê với kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công (工) gồm các tòa Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Từ ngoài vào là Nghi môn được dựng dưới dạng trụ biểu với hai trụ lớn ở giữa và hai trụ nhỏ hai bên. Tiếp đến là sân đình. Khi xưa, sân đình là nơi họp chợ buôn bán. Đình chợ thường họp vào các ngày rằm, tuần tiết. Đây là nét văn hóa đặc sắc của cư dân thuộc vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Theo Tùng Quang/Báo Văn hóa

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/bo-sung-vao-di-tich-quoc-gia-dia-diem-tap-ket-ra-bac-cuoi-nam-1954-dau-nam-1955-post1096735.vov