Bộ Tài chính: Nếu tung nhiều cổ phần VNM ra chào bán thì vỡ trận

Cuối năm là thời điểm gần các dịp lễ, Tết, việc thu xếp vốn bỏ tiền đi mua là khó khăn. Theo Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến việc thời gian hẹp và gấp gáp là một trong các nguyên nhân khiến đợt đấu giá không bán hết lượng chào bán.

Tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, đã đưa ra những nhận định về kết quả của cuộc đấu giá 9% cổ phần Vinamilk, doanh nghiệp được ví như con gà đẻ trứng vàng của SCIC, cùng những bài học rút ra từ phiên đấu giá lịch sử này.

Theo ông Tiến, việc chỉ có 2 tổ chức mua 5,4% với mức giá mà theo như một số ý kiến là khá cao đã là thành công. “Đợt bán chi chào 9%, còn nếu tung ra nhiều hơn là vỡ trận luôn”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng thời điểm cuối năm, tất cả các nhà đầu tư đều phải tất toán để chuẩn bị dịp lễ, Tết thì việc thu xếp vốn bỏ tiền đi mua là khó khăn. Thời gian cũng rất hạn hẹp từ khi duyệt phương án (tháng 8 – 9) đến khi đấu giá (tháng 12).

Thêm nữa, dù đã quảng bá ở thị trường trong nước từ tháng 9 nhưng không có nhà đầu tư Việt Nam tham gia mua. Ông Tiến cũng cho rằng nguồn lực từ thị trường Việt Nam còn bé, không có động thái đổi mới thì sẽ không thể hấp thụ hết được.

Việc thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán cũng như các đợt chào bán cổ phần cũng là bài toán đặt ra trong các năm tới. Theo chia sẻ của người đứng đầu UBCKNN, ông Vũ Bằng, năm tới sẽ có kế hoạch sửa luật Chứng khoán. Trong đó, sẽ hướng tới gỡ khó dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục vướng mắc với Luật Đầu tư bằng việc coi doanh nghiệp có trên 60% vốn nước ngoài mới là nhà đầu tư nước ngoài.

Về mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu trong phiên đấu giá Vinamilk cao hơn so với giá thị trường ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, thị giá cổ phiếu trên thị trường nóng lạnh như thời tiết. Trong thị trường nhỏ như Việt Nam, việc giá cổ phiếu giảm có thể chịu tác động của các ông lớn. Giá thị trường được sử dụng để tham khảo nhưng cần đảm bảo giá hợp lý nhất bởi Vinamilk là sản phẩm tốt nhất của Việt Nam. “Nếu đưa ra mức giá bán thấp thì NĐTNN cũng sẽ đánh giá mình thấp”, ông Tiến cho biết quan điểm.

Theo ông Tiến, bài học kinh nghiệm từ đợt phát hành phải thu hút được dòng tiền từ nước ngoài tham gia vào đợt đấu giá. Nguồn lực trong nước nhỏ trong khi thời gian tới không chỉ Vinamilk mà cả các doanh nghiệp bia Sabeco, Habeco cũng được chào bán.

Đợt bán đầu tiên của Vinamilk thăm dò thị trường, qua các đợt roadshow có thể thấy VNM vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Có thể do thời điểm chọn gấp gáp nên các nhà đầu tư sẽ chờ đến đợt tới. Đối với 3,6 triệu cổ phần không bán hết SCIC và VNM sẽ chọn thời cơ tiếp tục bán tiếp năm sau.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/bo-tai-chinh-neu-tung-nhieu-co-phan-vnm-ra-chao-ban-thi-vo-tran-20161224043626351p4c147.news