Bộ Tài chính nói Vietlott không sai: Sao chưa minh bạch?

Sau khi kiểm tra, rà soát Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương khẳng định Vietlott không có gì sai.

Ngày 2/2, Dân Trí đưa thông tin, theo Bộ Tài chính, trong việc kinh doanh loại hình xổ số mới, Vietlott đã hợp tác với đối tác nước ngoài là Tập đoàn Berjaya của Malaysia theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Việc này không làm thay đổi bản chất về sở hữu với Vietlott, khi Vietlott vẫn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.

"Việc hợp tác giữa Vietlott và Tập đoàn Berjaya đã được Thủ tướng chấp thuận bằng văn bản", Bộ Tài chính nêu.

Cũng theo Bộ này, trong việc hạch toán doanh thu, chi phí và thu nhập của Vietlott, , toàn bộ thuế và lợi nhuận (sau khi trả thưởng, lập quỹ…) của Công ty Vietlott được hoạch toán và phân bổ về ngân sách các địa phương theo tỷ lệ doanh số bán vé.

Bộ Tài chính cho rằng, Vietlott ra đời nhằm thực hiện chủ trương hiện đại hóa hoạt động xổ số đã được Thủ tướng quyết định. Khung khổ pháp lý đối với hoạt động kinh doanh xổ số điện toán đã được ban hành đầy đủ.

Theo Bộ chủ quản của Vietlott, trước khi triển khai kinh doanh tại các địa phương, Bộ này đã làm việc trực tiếp và gửi công văn cho các địa phương thông báo kế hoạch kinh doanh của Vietlott và đề nghị phối hợp triển khai.

Bộ Tài chính khẳng định Vietlott không có gì sai

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 13/12/2016, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai hoạt động kinh doanh xổ số điện toán và kiến nghị một số giải pháp quản lý.

Trước đó, đã có nhiều địa phương ở các tỉnh phía Nam phản ánh về hoạt động kinh doanh của Vietlott. Cụ thể, ngày 12/12/2016, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, chấn chỉnh hoạt động xổ số điện toán Vietlott trước thực trạng vé số Vietlott được in sẵn các số dự thưởng đưa người đi bán dạo với giá 12.000 đồng/dãy số (6 cặp), vượt mệnh giá 2.000 đồng.

Tiếp đó, ngày 13/12/2016, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, tỉnh này sẽ lập đoàn kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp và người dân không được phép kinh doanh xổ số Vietlott trái phép trên địa bàn tỉnh.

Sau khi có một số ý kiến các địa phương ở các tỉnh phía Nam về loại hình kinh doanh xổ số Vietlott có nhiều điểm không đúng, Thủ tướng đã có chỉ đạo và giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Vietlott triển khai kinh doanh đúng quy định, phối hợp với địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Điều đáng nói, theo thống kê từ đầu năm 2017 đến nay, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng Vietlott đã lập kỷ lục khi có 5 người trúng giải thưởng Jackpot và tất cả đều được xác định mua vé tại địa bàn TP.HCM. Giải thưởng thấp nhất có trị giá 17 tỷ đồng và cao nhất lên tới trên 75 tỷ đồng.

Việc có nhiều giải thưởng trúng trong cùng 1 tháng và trên 1 địa bàn như TP.HCM khiến nhiều người dân và chuyên gia kinh tế vẫn đặt dấu hỏi, vì vốn dĩ từ trước tới nay chưa một lần họ công khai minh bạch danh tính người trúng giải.

Tuy nhiên, trả lời những nghi vấn trên, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó tổng giám đốc Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) khẳng định giải thưởng của đơn vị này hoàn toàn công khai, minh bạch và có sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng.

Theo ông Đạm, không nhất thiết phải công khai danh tính mới có thể chứng minh được tính minh bạch của giải thưởng. Trên thế giới vẫn có nơi quy định người trúng giải được phép giấu tên tuổi như giải độc đắc 1,6 tỷ USD của xổ số PowerBalls của Mỹ có 3 người trúng giải nhưng hai người công khai và một người nhận giải nặc danh.

Thậm chí, ông Đạm còn khẳng định công ty đang xem xét mở rộng, mời thêm một số đối tượng khác tham gia chứng kiến trao thưởng. Tuy nhiên đến thời điểm này, thông tin trên vẫn chưa thực sự được công bố rộng rãi nên việc nhiều người còn bày tỏ nghi ngờ là điều dễ hiểu.

Từng trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc cho rằng thời gian qua Vietlott đều khẳng định việc trao giải hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và có sự chứng kiến của đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính, đại diện các đại lý xổ số... Tuy nhiên vấn đề được vị Luật sư lưu ý đến, đó là các đơn vị trên chưa từng lên tiếng về vấn đề này.

“Bộ Tài chính đã 1 lần có trả lời về việc này nhưng chưa đi vào chi tiết vấn đề. Cho nên tôi cho rằng các cơ quan giám sát khác như Công an, đại diện đại lý xổ số, người chứng kiến... cần phải lên tiếng để trả lời công luận.

Cần trả lời rõ ràng xem giám sát đó có công khai, minh bạch không? Có đúng tên tuổi người nhận không. Đấy là trách nhiệm phải làm. Vietlott mời các cơ quan đến để chứng kiến thì anh phải lên tiếng về sự việc", ông Tám khẳng định.

Theo vị Luật sư, trong hoạt động kinh doanh, liên kết, trong hợp đồng luôn có các điều kiện bảo mật thông tin. Vì vậy trong trường hợp này Vietlott có thể không công bố cơ cấu vốn của mình. Nhưng chắc chắn họ phải báo cáo một cách cụ thể, chi tiết cho cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính về hoạt động của doanh nghiệp.

“Việc này theo tôi không cần thiết phải công bố hết cho công luận. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra biết rồi thì chỉ cần công bố để phục vụ cho việc hoạch định chính sách”, LS Tám nêu quan điểm.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-tai-chinh-noi-vietlott-khong-sai-sao-chua-minh-bach-3328351/