Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Các hiệu trưởng e ngại

Nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể bỏ ngay được kỳ thi THPT. Vấn đề hiện nay là tăng cường ra đề tính mở, tổ chức kỳ thi khoa học, chấm thi nghiêm túc, giảm số môn thi tốt nghiệp...

GS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, thời điểm này chưa thể bỏ tốt nghiệp nhưng Bộ GD-ĐT nên tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hơn bây giờ, giảm áp lực cho học sinh, không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia nặng nề, căng thẳng như hiện nay.

Theo GS. Cương, phương án đưa ra cho các Sở GD-ĐT hoặc các trường là tổ chức nghiêm, chặt chẽ và dựa vào điều kiện cụ thể từng nơi như miền núi, thành thị để ra đề thi phù hợp với học sinh.

Trái với quan điểm trên, cô giáo Bùi Minh Ngọc, Hiệu trường Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho rằng, học sinh trải qua hai kỳ thi gần nhau thực sự vất vả. Thí sinh phải ôn 6 môn thi trong thời gian ngắn rồi thi đại học gây vất vả cho học sinh. Vì thế trong một thời gian ngắn không nên tổ chức hai kỳ thi liên tiếp mà nên bỏ bớt 1 kỳ.

Cô Ngọc cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh. Bằng tốt nghiệp do hội đồng thi các trường xem xét và đề nghị Giám đốc các sở GD&ĐT quyết định, ký bằng.

Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì quá trình kiểm tra, thi học kỳ các trường phải tiến hành chặt chẽ, tổ chức nghiêm túc như kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học để các em có kinh nghiệm trong các cuộc thi có tính bước ngoặt. Ngành giáo dục cũng nên cân nhắc đến việc tổ chức lại kỳ thi này.

Nhiều ý kiến cho rằng chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thạc sỹ Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) nêu quan điểm không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phải nhìn nhận một cách thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm trở lại đây, cơ bản là nghiêm túc, đúng quy chế, tuy nhiên, việc tổ chức thi tốt nghiệp là điều đáng bàn.

Theo thầy Trung, giả sử bỏ kỳ thi tốt nghiệp sẽ xảy ra những vấn đề sau: Nếu chúng ta đánh giá học sinh qua điểm tổng kết trung bình 3 năm học THPT để xét đỗ tốt nghiệp sẽ xảy ra quá nhiều tiêu cực. Thêm vào đó, kết quả tốt nghiệp sẽ càng phản ánh không trung thực.

Việc đánh giá điểm học lực trung bình sẽ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của cô giáo chủ nhiệm lớp đó. Cô giáo cũng là con người và sẽ chịu sức ép từ nhiều phía như: Sức ép từ cấp trên, họ hàng, thân quen… như vậy sẽ càng nảy sinh nhiều gian lận kết quả xét tốt nghiệp.

“Quan điểm của tôi là vẫn phải thi, có học thì phải có thi, thi là nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của người học, người dạy. Nó là sự nghiệm thu quá trình học của học sinh THPT. Bởi lẽ Bộ đã bỏ hai kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, tôi cho rằng việc tổ chức kỳ thi hiện nay phải xem xét đánh giá sao cho nghiêm túc, khoa học, tránh tốn kém lãng phí tài chính của nhà nước, người dân.

Theo tôi, nhiều nơi nên giao cho các đơn vị địa phương hoặc các trường, trong đó có sự giám sát trực tiếp của các cơ quan thanh tra giáo dục. Ở một số nước trên thế giới, việc thi tốt nghiệp đã được giao cho vùng gồm 1 hoặc nhiều tỉnh khác nhau, không ôm đồm cả nước như ngành giáo dục hiện nay” – thầy Trung cho hay.

Theo thầy Trung, cách thức tổ chức kỳ thi như việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, kết quả tốt nghiệp kỳ thi THPT đang gây ra sự hoài nghi của dư luận. Theo đó, nên ghi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT thời gian qua để làm giảm những hoài nghi này. Nhưng mấu chốt quan trọng là chúng ta phải đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi nói chung và kỳ thi THPT nói riêng để phát huy được việc học thực chất, độ ngấm kiến thức của học sinh.

Thạc sỹ Lê Xuân Trung: "Điều quan trọng là tổ chức kỳ thi, ra đề thi, chấm thi như thế nào thì mới đánh giá được phông nền kiến thức của học sinh".

Thầy Trung đề ra giải pháp: "Tăng cường việc ra đề thi có tính chất mở, đi đôi với tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khoa học thì tôi nghĩ rằng sẽ đánh giá đúng năng lực học sinh. Việc ra đề thi có tính mở sẽ tăng khả năng kiến thức tổng hợp của học sinh, tính sáng tạo, nội lực của học sinh đó. Hạn chế tối đa việc ra đề thi có tính chất ghi chép, quay cóp máy móc của học sinh.

Trong một chương trình học với một lượng kiến thức khổng lồ, tập trung chủ yếu vào chương trình học lớp 12, gồm nhiều bộ môn và thời lượng ôn thi từ 2 – 3 tuần thì học sinh khó mà ghi nhớ nổi lượng kiến thức dàn trải và cuối cùng việc chốt lại chúng ta vẫn phải ra đề mở.

Ngoài ra, Bộ xem xét giảm số lượng môn thi tốt nghiệp THPT đi đôi với biện pháp mạnh dạn giao việc tổ chức kỳ thi cho từng địa phương, hoặc từng vùng gồm nhiều tỉnh, thậm chí trường. Theo tôi, thi tốt nghiệp chỉ nên còn 4 môn bắt buộc cộng với bài làm tiểu luận chung xuyên suốt quá trình học.

Bài làm tiểu luận theo tôi bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hiểu biết ứng xử, đạo đức… để ra một đề bài tiểu luận không quá khó đối với các em. Như vậy, chúng ta sẽ đo được kiến thức học tại trường của học sinh, kiến thức về lối sống, về hành vi ứng xử, kiến thức kỹ năng mềm… Qua đó, chúng ta sẽ đánh giá được phông nền kiến thức của các em học sinh và cấp bằng tốt nghiệp".

Nguyễn Hiếu

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Van-hoa/Bo-thi-tot-nghiep-THPT-Cac-hieu-truong-e-ngai/101384.info