Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Phá sản cả hệ thống giáo dục

"Tôi phản đối cách đặt vấn đề (có vẻ khá phổ biến) về việc gây áp lực và tốn kém nếu giữ nguyên 2 kỳ thi gần nhau. Vấn đề không phải là có áp lực và tốn kém hay không mà là áp lực và tốn kém đó có đáng không?"

Xung quanh ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vừa đề xuất, PV đã phỏng vấn TS Phạm Xuân Thạch, Phó Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội về vấn đề này. Khác với nhiều ý kiến khác, cho rằng cần phải bỏ 1 trong 2 kỳ thi, TS Thạch khẳng định, làm thế sẽ mở đường cho sự xuống dốc không phanh của hệ thống giáo dục trong thời điểm hiện nay.

Những năm qua, kết quả thi tốt nghiệp THPT ở nước ta thường rất cao, tuy nhiên nó lại không phản ánh trung thực chất lượng giáo dục. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nói thẳng rằng tôi không tin vào kết quả của các kì thi tốt nghiệp. Chúng ta có thể chấp nhận bằng tốt nghiệp giống như một chứng chỉ hoàn thiện việc học hết bậc phổ thông và có một tỉ lệ cao các em đỗ tốt nghiệp. Đó là một sự ghi nhận nỗ lực của học sinh, gia đình và nhà trường trong việc phổ biến kiến thức ở bậc phổ thông.

"Việc Bộ GD-ĐT khống chế tỉ lệ tốt nghiệp như vừa rồi là một sự tuyệt vọng cuối cùng trong việc tìm lại sự trung thực đã bị đánh mất từ sau hiện tượng Đỗ Việt Khoa" - TS Thạch khẳng định

Tuy nhiên, việc có một tỉ lệ rất cao học sinh đỗ tốt nghiệp loại khá giỏi thì lại là điều khác. Nguyên tắc cơ bản của việc thi cử là phải có tính phân loại. Nếu có một tỉ lệ quá cao học sinh trượt hoặc ngược lại thì đó là một kì thi không thành công bởi nó không làm được nhiệm vụ phân loại.

Nó không phản ánh được đúng trình độ của thí sinh và như vậy, nó vô nghĩa. Cần phải nói thẳng rằng nó là một kết quả không trung thực và nó phản ánh sự không trung thực của toàn xã hội chứ không phải chỉ riêng của ngành giáo dục.

Và việc Bộ GD-ĐT khống chế tỉ lệ tốt nghiệp như vừa rồi là một sự tuyệt vọng cuối cùng trong việc tìm lại sự trung thực, mà theo tôi, đã bị đánh mất từ sau hiện tượng Đỗ Việt Khoa.

Có nhiều ý kiến cho rằng ở một số nước như Mỹ, Pháp cũng chỉ có 1 kỳ thi (Pháp thi tốt nghiệp, không thi ĐH, Mỹ bỏ thi tốt nghiệp), Việt Nam cũng nên học tập để tránh sự trùng lặp giữa 2 kỳ thi. Mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên xem xét bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi phản đối việc bỏ kì thì tốt nghiệp THPT. Nếu cứ cái gì không làm được mà bỏ thì chúng ta sẽ ra sao? Cũng giống như đến một lúc không thể chống được thực trạng vi phạm luật giao thông không lẽ chúng ta sẽ từ bỏ luôn việc kiểm soát giao thông bằng luật?

Quan điểm của tôi là không phải cứ cái gì Mỹ, Pháp làm được là chúng ta làm theo. Bao nhiêu thí nghiệm đã phải phá sản vì những sự làm theo như thế từ chuyện lập đại học đại cương trong hệ thống đại học quốc gia cho đến việc lấy điểm học phổ thông xét vào thẳng đại học. Đó là sự làm theo mù quáng, không tính đến thực tế của Việt Nam.

Thế nhưng việc tổ chức 2 kỳ thi cấp quốc gia quá gần nhau như thế sẽ gây áp lực cho học sinh, gia đình cũng như nhà trường... chưa kể cũng gây tốn kém không nhỏ. Nếu không bỏ thi, theo ông có biện pháp nào để khắc phục hiện trạng này?

Tôi phản đối cách đặt vấn đề (có vẻ khá phổ biến) về việc gây áp lực và tốn kém. Vấn đề không phải là có áp lực và tốn kém hay không mà là áp lực và tốn kém đó có đáng không?

Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ thôi là thi đại học. Ta cứ nói rằng thi quốc gia như hiện nay là tốn kém. Đúng. Nhưng có đáng không?

Theo TS Thạch ,những ý kiến kiểu bỏ thi đại học, lấy điểm phổ thông và điểm tốt nghiệp xét vào đại học là xui dại cả xã hội và cái giá phải trả cho sự xui dại đó về đạo đức và kinh tế là khôn lường.

Nhiều vị trí thức có nói đến việc bỏ thi đại học rồi lấy điểm học phổ thông xét vào đại học. Xin thưa, đến lúc đó, chúng ta sẽ mở cửa cho phong trào chạy điểm từ lớp 10 đến lớp 12 và chạy như thế liệu có tốn kém hay không? Và sự tốn kém đó có đáng không? Chưa nói đến có hợp pháp không?

Tôi nói thẳng rằng những ý kiến kiểu bỏ thi đại học, lấy điểm phổ thông và điểm tốt nghiệp xét vào đại học là xui dại cả xã hội và cái giá phải trả cho sự xui dại đó về đạo đức và kinh tế là khôn lường.

Việc những học sinh nghèo đỗ đại học là một bằng chứng rõ ràng cho việc kì thi đại học không bị đồng tiền chi phối và thế thì mọi áp lực và tốn kém là cần thiết. Nếu không là có tội với người nghèo và mở cửa hệ thống giáo dục cho người giàu và người có “quan hệ”.

Đó là ví dụ về chuyện bỏ thi đại học. Còn trong trường hợp bỏ thi tốt nghiệp (đồng nghĩa với việc sẽ phổ cập giáo dục đến bậc THPT) tình hình sẽ khả quan hơn chăng?

Nói thẳng ra rằng bỏ thi tốt nghiệp bậc phổ thông sẽ mở đường cho sự xuống dốc không phanh của hệ thống giáo dục. Nếu mở rộng số môn thi tốt nghiệp, luôn thay đổi thành phần môn thi, ít nhất sẽ có một động lực cho việc học tử tế ở một mức độ nhất định. Còn nếu bỏ thi thì có nghĩa là ngoài những môn thi đại học, học sinh sẽ không học gì hết nữa.

Vậy theo ông cần có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay?

Trước hết, cần ý thức một điều, xã hội nào, giáo dục ấy. Muốn có giáo dục tốt, trước hết phải có một xã hội hiếu học (chứ không hiếu bằng) và trung thực. Đó là ở tầm vĩ mô. Trong phạm vi của ngành giáo dục, tôi đề nghị:

1. Giữ nguyên trạng. Trong khi chưa có những giải pháp tổng thể trong việc tuyển dụng lao động thì mọi đổi mới giáo dục sẽ vô hiệu. Vì tuyển dụng thật sẽ bắt hệ thống giáo dục phải đào tạo ra con người thật. Còn nếu tuyển dụng vẫn có tiêu cực thì giáo dục gì cũng vô nghĩa.

2. Xiết chặt thi tốt nghiệp như năm đầu tiên sau vụ Đỗ Việt Khoa. Chấp chận tỉ lệ đỗ cao nhưng bắt buộc phải có sự phân hóa.

3. Giãn khoảng cách giữa thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học để giảm áp lực cho thí sinh và cũng là tăng cường tính công minh, chính xác, tăng cường giám sát việc chấm thi tốt nghiệp.

4. Duy trì kì thi tuyển sinh đại học theo hình thức ba chung và thi quốc gia như hiện nay để duy trì tính khách quan và chính xác tương đối. Cả xã hội cần phải chấp nhận áp lực và sự tốn kém để duy trì được “của tin còn một chút này”. Còn nếu không, coi như chúng ta chấp nhận sự phá sản của hệ thống giáo dục quốc dân.

Vâng, xin cảm ơn ông!

T.Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Van-hoa/Bo-thi-tot-nghiep-THPT-Pha-san-ca-he-thong-giao-duc/101455.info