Bỏ trần lãi suất - đòn bẩy tín dụng ngân hàng

Trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ và lạm phát của Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang được đặt lên hàng đầu. Theo đó, quy định từ ngày 15.3 tới đây, về phía ngân hàng và khách hàng có thể thỏa thuận mức lãi suất cho vay theo thị trường không quy định trần lãi suất chỉ trừ một số lĩnh vực đặc thù. Quy định này được xem như một bước tiến trong việc tạo cơ chế thị trường trong hoạt động tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng tính minh bạch trong cho vay

Thông tư 39.2016.TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay. Đáng chú ý, tại thông tư này là quy định về lãi suất cho vay. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Tuy vậy, điểm đáng mừng là thông tư này không những nói rõ hơn về vấn đề lãi suất mà còn đưa ra những quy định về trình tự cho vay, về quyền và nghĩa vụ của người đi vay và bên cho vay nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của người vay. Các luật sư đánh giá cao điểm mới này, theo nhận định của một luật sư, thông tư này tách bạch quản lý đối với các tổ chức tín dụng, quản lý giao dịch dân sự giữa các tổ chức và cá nhân. Mà sự tách bạch này nó phù hợp với nguyên tắc của luật dân sự. Tức là nguyên tắc thỏa thuận. Tách bạch giữa vay ngân hàng và vay dân sự được xem là tích cực và theo chuẩn mực quốc tế . Bởi không thể nào chỉ vì chống cho vay nặng lãi mà bóp méo cả thị trường. Giới ngân hàng nhận định, quy định bỏ trần có thể là đòn bảy cho hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng.

Theo chị Bùi Thu Trang - cán bộ tín dụng Agribank, cho biết: “ Nếu bỏ trần lãi suất, người đi vay sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn còn ngành ngân hàng thì sẽ cạnh trạnh khốc liệt hơn. Thực ra, bây giờ các ngân hàng vẫn được áp dụng nhiều mức lãi suất thấp cao khác nhau cho từng khách hàng, từng lĩnh vực hoạt động. Nhưng vẫn trong khuôn khổ lãi suất chung mà NHNN đặt ra. Nếu bỏ trần lãi suất chắc sẽ lao đao một thời gian vì mỗi ngân hàng phải tự tìm mức lãi suất hợp lý để cạnh tranh. Nhưng mà ở mức lãi suất nào thì ngân hàng vẫn phải có lãi. Nên chắc cũng sẽ chênh lệch không nhiều và còn tùy vào nguồn vốn, dư nợ của từng ngân hàng. Có lẽ, thông tư mới này sẽ đẩy kinh tế vào một guồng quay mới”.

Áp trần lãi suất khiến thị trường méo mó

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế PGS,TS - Hoàng Xuân Bình, việc bỏ trần lãi suất phản ánh một xu thế tất yếu đảm bảo vốn vận hành theo đúng quy luật cung cầu vốn có và phát triển lành mạnh. Việc cho vay nếu không được quyết định bởi cung cầu, mà chịu sự chi phối của các chính sách, mệnh lệnh hành chính đều khiến thị trường trở nên méo mó, nhiều trường hợp có thể phục vụ cho các mục tiêu của một nhóm người hoặc một nhóm đối tượng nào đó. Do đó, việc bỏ trần lãi suất giúp thị trường vốn phát triển lành mạnh và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hạn chế trần với một số kì hạn sắp tới cũng nên bỏ vì nó không cần thiết khi xem xét thực tiễn cho vay và huy động hiện nay. Thêm nữa, trần huy động đang làm méo mó giá của vốn, thực tế khi thiếu vốn các ngân hàng vẫn huy động với các mức lãi suất bổ sung như thưởng, khuyến mại… Như vậy trần lãi suất vô hình không có tác dụng, ngân hàng vẫn vượt trần mà thực tế việc tính lãi suất ngoài còn làm phức tạp và gây bất lợi cho người đi vay và cho vay.

Nhìn chung, vấn đề nào cũng có thể có tính hai mặt. Do đó, điều quan trọng là khả năng điều hành của cơ quan lãnh đạo và niềm tin thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, với những kết quả đã đạt điều về điều hành chính sách tiền tệ và lạm phát của NHNN, việc tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn trần lãi suất là điều nên tính tới và sẽ được thực hiện thành công.

Thu Trang

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/bo-tran-lai-suat-don-bay-tin-dung-ngan-hang-641349.bld