Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Không tìm ra người giảm biên chế

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đặt ra mục tiêu 8-9 tiêu chuẩn là khó. Các địa phương không có đối tượng để giảm

Lời chia sẻ thật của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại buổi làm việc với Sở Nội vụ TP.HCM, sáng 10/3.

Khó tinh giảm biên chế vì không tìm ra người. Ảnh minh họa

Tại đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Văn Làm tâm sự về nỗi lo của sở là về chỉ tiêu tinh giảm biên chế.

"Nỗi lo của sở là không biết khi nào sẽ bị khiển trách vì tinh giảm biên chế không đạt. Nhiều đối tượng muốn nghỉ cũng không dễ", vị này cho biết.

Ở góc độ địa phương, đại diện quận 1 cho biết tinh giản biên chế thật sự khó khăn theo Nghị định 108/CP. Quận 1 thời gian qua chỉ tinh giản chưa tới 10 trường hợp, chủ yếu rơi vào đơn vị sự nghiệp chứ đơn vị hành chính rất khó.

Thừa nhận có khó khăn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết để xét điều kiện tinh giảm theo đúng Nghị định 108/CP là rất khó.

“8-9 tiêu chuẩn để tinh giản thì khó thực hiện. Các địa phương không có đối tượng để giảm” – ông Tân nói.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: Vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm nên chậm xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân , tính đến cuối tháng 11/2016, đã có 39 lượt bộ, ngành và 121 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2017 với tổng số 18.839 người.

Trong đó, các cơ quan đảng, đoàn thể 789 người; cơ quan hành chính 2.342; đơn vị sự nghiệp công lập 12.041; cán bộ, công chức cấp xã 3.553; doanh nghiệp nhà nước 114.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ cũng lưu ý, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh nên việc xây dựng đề án, kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm. Một số địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản.

Bộ nhiều cấp dưới mới oai

Ở góc độ khác, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho rằng, việc xác định cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng nhiệm vụ của các vụ là một sự dễ dãi. Thậm chí có người nói đó là sự tùy tiện theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu.

Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các vụ. Sự thay đổi này lại chủ yếu theo hướng tăng, chia nhỏ chức năng. Cá biệt có vị lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ, ngành mình.

Lãnh đạo nhiều cấp dưới mới oai: Một chuyện có thật

Theo ông Sơn, định chuẩn không chặt chẽ, nhận thức quan điểm không đúng đắn dẫn đến phình bộ máy, tăng biên chế- căn bệnh trầm kha khó chữa - khiến cho một số bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giảm đúng định hướng cũng khó bề xoay sở vì không xử lý được mối quan hệ nội bộ là vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ kể cả trong lãnh đạo bộ.

Nhìn chung tâm lý chung chỉ muốn tăng không muốn giảm đang khá phổ biến, những người thấy rõ sự bất hợp lý, muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn, tinh giảm thì lại dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ, ngành, ông Sơn khái quát.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-truong-bo-noi-vu-khong-tim-ra-nguoi-giam-bien-che-3330790/