Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định quan điểm về vấn đề quân đội làm kinh tế

Những quan điểm cơ bản về vấn đề quân đội làm kinh tế được Đại tướng Ngô Xuân Lịch – UV Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – khẳng định tại buổi làm việc sáng nay (12/7) với Quân cảng Sài Gòn - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân.

Sáng nay, tại buổi đón tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác liên ngành, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm đã báo cáo tóm tắt về lịch sử xây dựng và phát triển trong 28 năm qua, với tư cách là một đơn vị vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng – là căn cứ quân sự thời bình cũng như thời chiến, vừa phát triển kinh tế để xây dựng Tân Cảng Sài Gòn thành Thương hiệu Quốc gia.

Là một trong 25 cảng biển lớn và hiện đại nhất thế giới, chỉ sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á, Quân cảng Sài Gòn là mô hình cảng biển quân sự kết hợp với hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch kiểm tra, làm việc tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

Xây dựng quân cảng và phát triển kinh tế

Với tốc độ tăng trưởng trên 15%/năm, dựa trên 3 ngành nghề dịch vụ là: kinh doanh khai thác cảng container, kinh doanh dịch vụ logistics, kinh doanh vận tải và dịch vụ biển, Tân Cảng Sài Gòn hiện nay có khoảng 6.000 cán bộ công nhân viên, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động tại các địa phương.

Hiện nay, Tân Cảng Sài Gòn đang chiếm 50% thị phần xếp dỡ container xuất nhập khẩu của Việt Nam, liên tục đứng đầu trong Top 20 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam trong 3 năm gần đây, chiếm 25% thị phần vận tải nội địa và mới phát triển tuyến vận tải biển quốc tế Việt Nam – Singapore.

Các hoạt động kinh doanh của Tân Cảng Sài Gòn đã đem lại cho Nhà nước 341.605 tỉ đồng tiền thuế trong những năm qua.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, từ năm 1995 đến nay, Tân Cảng Sài Gòn đã nhận phụng dưỡng suốt đời 326 Mẹ Việt Nam Anh Hùng, xây dựng 775 nhà tình nghĩa, hỗ trợ cho các gia đình chính sách và xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

Trong buổi làm việc sáng nay, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã lắng nghe các báo cáo tổng quan về những nhiệm vụ quân sự quốc phòng, các hoạt động phát triển kinh tế, thị sát và kiểm tra những công việc thực tế mà Tân Cảng Sài Gòn đang triển khai theo “Chiến lược Biển Việt nam đến năm 2020”.

Cán bộ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng

Giải quyết ùn tắc giao thông khu vực Cát Lái – ưu tiên lớn của TP HCM

Tiếp nối báo cáo của Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo đoàn công tác của Bộ Quốc phòng về tình hình an ninh trật tự quanh khu vực vào cảng Cát Lát.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, việc giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực vòng xoay Mỹ Thủy gần cảng Cát Lái đang là mối quan tâm lớn của của thành phố. Hiện nay, tất cả các luồng xe lưu thông vào cảng Cát Lát đều qua 1 con đường duy nhất là Nguyễn Thị Định, dẫn tới việc vòng xoay Mỹ Thủy thường xuyên ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Vì thế, lãnh đạo thành phố phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang triển khai nhiều giải pháp giải quyết vấn nạn giao thông này như rút ngắn thời gian làm thủ tục, thực hiện một số thủ tục online, giải quyết các điểm dừng đậu container bất hợp lý.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, cầu vượt để vào sân bay Tân Sơn Nhất được thi công xong đã giúp giao thông ở đây thông thoáng hơn rất nhiều.

Tương tự, các giải pháp để giải quyết vấn nạn giao thông tại khu vực cảng Cát Lái cũng đang gấp rút được nghiên cứu và triển khai để Tân Cảng Cái Lái thực sự là cửa ngõ thông thương thuận tiện của thành phố.

Nghiên cứu kinh nghiệm của Tân Cảng để áp dụng trong quân đội

Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: Đây là một công ty điển hình về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, từ một đơn vị nhỏ nay đã trở thành một đơn vị đóng góp thị phần rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế biển. Hoạt động hiệu quả của Tân Cảng thể hiện đường lối tự chủ quốc phòng, sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra trên Biển Đông. Trong thời gian tới, việc cơ cấu lại cổ phần vốn của các công ty thành viên của Tân Cảng cần triển khai đồng bộ, vừa nhằm đảm bảo cần thiết cho việc phát triển kinh tế quốc phòng, vừa đóng góp cho sự phát triển thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Những dự án phát triển mới của Tân Cảng còn hướng tới những địa bàn mới như Tây Ninh, Cần Thơ, một số địa phương miền Bắc... là những địa bàn trọng điểm, có nhiều tiềm năng, thể hiện hướng tư duy “khởi nghiệp”, liên tục đón bắt những mục tiêu phát triển mới mẻ, bền vững. Kinh nghiệm phát triển, những bài học mà Tân Cảng đã đạt được trong thời gian qua cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, để tiếp tục phát huy, áp dụng trong quân đội trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ của Quân đội

Kết thúc chương trình làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Việc quân đội tham gia sản xuất sẽ góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng; gia tăng tiềm lực quốc gia; củng cố khả năng tự chủ của đất nước trong việc trang bị vũ khí, khí tài cho quân đội; góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Trong lịch sử, ngay sau khi chiến thắng thực dân Pháp, để xây dựng miền Bắc, Quân đội đã chuyển 8 vạn chiến sĩ sang làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng được hàng loạt cơ sở kinh tế quan trọng của đất nước như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đại công trình thủy nông Bắc Hưng Hải, 29 nông trường. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã xây dựng được 23 khu kinh tế quốc phòng thuộc các Binh đoàn, Quân khu với hàng triệu hecta, tạo thế định cư lâu dài cho nông dân và vẫn hoàn thành nhiệm vụ canh giữ tại các khu vực phên dậu của đất nước.

Trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp quân đội hiện nay cũng không ngừng phát triển, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, trở thành những thương hiệu uy tín như Viettel, Tân Cảng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội...

Kết thúc chương trình làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: phát triển kinh tế đã, đang và sẽ luôn là một trong những chứng năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng thời giao nhiệm vụ cho Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp quốc phòng tiên phong của đất nước trong việc sản xuất, phát triển hiệu quả kinh tế biển, góp phần tăng cường tiềm lưc, thế trận quốc phòng biển đảo của Việt Nam.

Ngay sau buổi làm việc và kiểm tra này, những trọng tâm chính về vấn đề quân đội tham gia hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng sẽ được giới thiệu trong buổi họp báo ngày mai, 13/7, do Bộ Quốc phòng chủ trì.

Việt Anh

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/bo-truong-bo-quoc-phong-khang-dinh-quan-diem-ve-van-de-quan-doi-lam-kinh-te-c4a547576.html