Bộ trưởng Công thương và lời hứa Cà Ná: Sự thật là...

"Dù sao lời hứa cũng chỉ là vấn đề trách nhiệm, thái độ, nó phải được thực hiện bằng các hành động cụ thể".

Đó là quan điểm của ĐBQH Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chia sẻ với Đất Việt khi nói đến lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công thương về dự án thép Cà Ná.

Quan trọng là hành động cụ thể

PV:- Mới đây, khi nói về dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đã khẳng định nếu hệ lụy xảy ra ở dự án thép Cà Ná và có phần trách nhiệm nào đó của Bộ Công Thương thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, bản thân ông cũng không e ngại chuyện từ chức. Ông bình luận ra sao về lời hứa trên của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Với những dự án như thép Cà Ná để đi vào hoạt động thì sẽ mất khoảng bao nhiêu năm và tới khi nó đi vào hoạt động thì lời hứa này có ý nghĩa như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: - Tôi cho rằng đó là một thái độ cầu thị và có trách nhiệm của người đứng đầu Bộ ngành. Đặc biệt, nó càng quan trọng hơn khi dư luận đang quan tâm, lo lắng đến dự án này vì liên quan tới ngành sản xuất giống nhà máy Formosa Hà Tĩnh vừa gây ô nhiễm môi trường vô cùng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, lời hứa cũng được đưa ra trong một hoàn cảnh trước đó những sự kiện, những dự án gây thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, kém hiệu quả cũng vừa mới được đưa ra QH để thảo luận.

Nhưng rõ ràng câu chuyện Formosa chúng ta chỉ nhìn bề ngoài quản lý, còn trách nhiệm trong nội bộ của Formosa khi tiến hành dự án, họ thay đổi công nghệ mà không biết, đó mới là vấn đề cần suy xét vì quản lý quá yếu kém.

Cách thức quản lý sắp tới phải như thế nào để sắp tới đảm bảo được có hoạch định chính sách cụ thể, chứ không thể vì sự cố Formosa mà nói đất nước không cần thép, thì tôi cho rằng có lúc hữu khuynh, nhưng cũng có khi lại là tả khuynh.

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh

Và lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công thương, dù sao tôi cũng chỉ đánh giá ở mặt trách nhiệm, thái độ, nó phải được thực hiện bằng các hành động cụ thể, còn với tốc độ hiện nay, có khi khi mà thép Cà Ná được xây dựng xong thì Bộ trưởng đương nhiệm Trần Tuấn Anh cũng đã ở chức vụ khác.

Cho nên, câu chuyện đó là câu chuyện trách nhiệm của nhà nước, của Chính phủ. Người đại diện cho ngành công thương đưa ra lời hứa quyết tâm đó là thể hiện trách nhiệm quyết tâm của Chính phủ chứ không riêng bản thân vị Bộ trưởng đó.

Đặc biệt, đối với người dân ai làm Bộ trưởng điều đó không quan trọng, nhưng cá nhân hứa với tư cách Bộ trưởng, tức người đứng đầu một ngành của Chính phủ và đồng nghĩa với việc Nhà nước hứa cam kết với nhân dân về việc đó, thì mặc định đó là trách nhiệm của tất cả.

PV:-Thực tế, một dự án lớn như Cà Ná liên quan tới trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành địa phương, tuy nhiên chỉ có một lời hứa của Bộ trưởng Bộ Công thương được nói ra. Như vậy, đã đủ để thuyết phục được người dân hay chưa, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: - Chắc chắn người dân vẫn còn chưa vừa lòng, họ còn đang trông đợi rất nhiều. Ngay như cả bản thân tôi cũng vậy, đang rất băn khoăn. Nhân dân luôn mong đợi nhiều và nhiều hơn nữa, trạng thái luôn là như vậy.

Hứa đó là thể hiện thái độ còn thực hành như thế nào thì nhân dân còn đang đợi, đang quan sát, theo dõi, nhân dân sẽ tỏ thái độ họ có vừa lòng hay không.

Thế nhưng, đúng là thực tế trách nhiệm cần rõ ràng hơn, đừng như sau sự cố Formosa Hà Tĩnh, đi tìm mãi mà không thấy trách nhiệm của ai, cuối cùng lại quy hết trách nhiệm cho mấy cán bộ xã.

Và vấn đề ở đây không chỉ là nhận trách nhiệm, bởi phải xem xét cả các tác động đến xã hội, đời sống của dân, không phải xảy ra rồi thì lại xem xét trách nhiệm, rồi môi trường tự nhiên có lấy lại được không?.

Quản lý vô cùng yếu kém

PV:- Dư luận băn khoăn vì sao Bộ trưởng Bộ Công thương lại là người đầu tiên hứa và thể hiện những động thái khuyến khích dự án này, trong khi vấn đề dư thừa thép đã được dự báo nhiều lần và xuất khẩu thép cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông chia sẻ thế nào với băn khoăn này?

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: - Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Công thương là người xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch trực tiếp, nên họ lên tiếng đầu tiên cũng không có gì lạ.

Tôi đã từng nói, Bộ Công thương trình quy hoạch phát triển ngành thép, đã làm nhà quản lý anh muốn làm gì cũng được, nhưng điều đầu tiên là anh phải có quy hoạch, quy hoạch rồi đưa ra phê duyệt, quan sát, thì mới quản lý được.

Quy hoạch dự án thép Hoa Sen - Cà Ná

Còn không nếu để mọi việc phát triển theo hướng tự phát thì sẽ mất cân đối nền kinh tế, như vậy, Bộ máy nhà nước trong vấn đề quản lý sẽ kém hiệu quả, không có hiệu lực. Nhưng rõ ràng không thể nói đất nước phát triển mà không cần đến thép và cũng không thể nói một quốc gia muốn phát triển mà lại đi mua thép của một quốc gia khác về để phát triển của mình.

Tất cả chuyện so sánh như vậy đều không chính xác và thực tế. Cần phải nói rõ, việc phát triển thép là cần thiết phục vụ cho phát triển đất nước, so với các nước khác chúng ta vẫn còn rất thấp kém chứ không phải là đã phát triển cao, cho nên câu chuyện phát triển ngành thép là một câu chuyện cần thiết.

Tôi cho rằng, câu chuyện tiến hành các dự án thép đâu phải chỉ là cho ra sản phẩm thép mà bao nhiêu việc khác liên quan như an sinh xã hội, công ăn việc làm...nên cần phải hiểu chúng ta vẫn cần thép. Vấn đề là chúng ta làm thép như thế nào khi mà chúng ta phải bảo vệ môi trường ở mức độ tối đa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-truong-cong-thuong-va-loi-hua-ca-na-su-that-la-3326386/