Bộ trưởng Đinh La Thăng và bài học làm chính khách

(Kienthuc.net.vn) - Cách xử lý trái ngược của hai vị “tư lệnh đầu ngành” - GTVT và Y tế - khi có “thảm nạn” xảy ra, khó tránh khỏi việc người ta đem ra so sánh.

Hành động kịp thời của Bộ trưởng Thăng

Một thảm nạn kinh hoàng đã xảy ra tại Cần Giờ vào buổi tối ngày 2/8. Khoảng 19h ngày 2/8, chiếc ca nô mang số hiệu H29 chở 30 người của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi qua khu vực biển thuộc Cồn Ngựa, Cồn Thu (Cần Giờ) thì gặp sóng lớn nên bị chìm.

Ngay khi xảy ra thảm nạn, Công ty CP Việt Séc đã có mặt cứu được 4 người (có 2 người nước ngoài) và đưa vào bệnh viện Lê Lợi cấp cứu. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM ngay nhận tin báo đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Long Hòa phối hợp cùng Hải đội Biên phòng 2 và Ban chỉ huy quân sự xã, huyện Cần Giờ đến hiện trường (cách 10km).

Tuy nhiên, do khu vực canô gặp nạn có sóng to, gió lớn trong đêm tối nên mãi đến 1h sáng ngày 3/8 mới phát hiện và cứu được 17 người (15 nam, 2 nữ). Những nạn nhân nhanh chóng được đưa vào bệnh viện huyện Cần Giờ (TP.HCM), bệnh viện Lê Lợi (Bà Rịa-Vũng Tàu) cấp cứu.

Chiều qua (4/8), sau 2 ngày đêm chiếc tàu gặp nạn, đã có 6 trong số 9 nạn nhân mất tích được tìm thấy (4 nam, 2 nữ). Hiện tại còn 4 nạn nhân vẫn đang được được các ngành chức năng tích cực tìm kiếm.

Vụ chìm tàu khách ở Cần Giờ xảy ra không lâu, sáng 3/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có mặt tại hiện trường tham gia cứu nạn. Theo báo chí đưa tin, Bộ trưởng Thăng đã thay đổi lịch trình công tác ở các tỉnh, thành phía Nam ngay khi nghe tin xảy ra vụ tai nạn chìm tàu đặc biệt nghiêm trọng.

Sáng 3/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã hủy chuyến công tác và đã có mặt tại bệnh viện huyện Cần Giờ thăm hỏi nạn nhân gặp nạn. Ảnh: Báo GTVT.

Không chỉ tham gia chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến Trung tâm y tế xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nạn nhân vụ chìm tàu mỗi người 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng trao tặng các bác sĩ, Trung tâm y tế xã Cần Thạnh 20 triệu đồng, tặng cán bộ chiến sĩ Biên phòng Long Hòa 20 triệu để lo công tác cứu nạn.

Bài học chính khách

Trước hành động kịp thời, sốt sắng của Bộ trưởng Thăng trong vụ chìm tàu chở 30 người tại Cần Giờ, người ta không khỏi nghĩ tới cách hành xử của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cách đây không lâu, khi xảy ra vụ việc 3 cháu bé ở Quảng Trị bị tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B. Từ đó, có thể thấy rõ, cách xử lý trái ngược nhau giữa 2 vị Bộ trưởng trước những tình huống xảy ra bất ngờ.

Khi xảy ra vụ việc 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị, Bộ trưởng Tiến đang công tác ở Quảng Trị nhưng “không thể” thu xếp thời gian trực tiếp tới thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Bà cũng từ chối trả lời báo chí những câu hỏi liên quan tới vụ việc khi đang ở Quảng Trị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thăng hoàn toàn có thể chỉ đạo cấp dưới tới hiện trường chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn, nhưng ông quyết định thay đổi lịch trình, kịp thời có mặt tại hiện trường. Đồng thời, Bộ trưởng Thăng cũng thăm hỏi những nạn nhân trong vụ chìm tàu, trao tặng “nóng” tiền cho những người trực tiếp tham gia cứu nạn kịp thời.

Trước những tình huống xảy ra bất ngờ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (trái) và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (phải), có cách xử lý trái ngược nhau.

Những việc làm kể trên của Bộ trưởng Thăng có thể rút kinh nghiệm từ vụ việc dư luận phản ứng với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cách đây không lâu, dù sao cũng đáng ghi nhận. Hành động đó thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu ngành, thể hiện cái tầm của vị Bộ trưởng lo cho dân, vì dân. Việc làm này phản ánh sự nhạy cảm chính trị của người chính khách.

Trong vụ việc 3 trẻ tử vong do tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị, nói về trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế, nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa – ông Lê Văn Cuông đã nhấn mạnh: “Là tư lệnh đầu ngành, việc linh hoạt xử lý tình huống nhất thiết phải có. Người xưa thường nói “con dại cái mang”, trách nhiệm cụ thể thì người làm sai phải chịu, nhưng Bộ trưởng là người đồng hành nên xin lỗi và nhận trách nhiệm của mình”.

Ông Cuông cho biết thêm: “Ở nhiều nước trên thế giới, để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, khiến nhiều người thương vong thì có người đứng đầu ngành sẵn sàng từ chức vì quản lý kém. Không nhất thiết phải từ chức, nhưng việc nhận trách nhiệm và sửa sai kịp thời khiến hình ảnh Bộ trưởng đẹp hơn trong lòng công chúng”.

Vẫn biết làm chính khách không dễ, nhưng được tín nhiệm đứng đầu ngành, thì việc làm đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình để trở thành người quản lý tin cậy của dân là điều các vị Bộ trưởng nên làm.

Anh Tuấn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bo-truong-dinh-la-thang-va-bai-hoc-lam-chinh-khach-250927.html