Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nợ công tăng nhanh do mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính,.. và tâm lý 'bao cấp' từ nhà nước

Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ tài chính thẳng thắn nêu ra Về khách quan là do mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa nền kinh tế còn mỏng

7 năm thực hiện Lu ật quản lý nợ công

Sáng ngày 25/5, thay mặt Chính phủ, thừa Ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 3, khóa XIV.

Theo báo cáo của người đứng đầu Bộ Tài chính, qua 7 năm triển khai thực hiện, Luật đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần quan trọng trong việc huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước; tạo nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thông qua cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và bảo lãnh của Chính phủ đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của Nhà nước.

Những số liệu được Bộ trưởng Dũng chỉ ra cho thấy hiệu quả của Luật này như Giai đoạn 2010-2016, huy động vốn trong nước qua phát hành trái phiếuđạt hơn 1.277 nghìn tỷ đồng (tốc độ tăng bình quân 36%/năm), đảm bảo cân đối ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Huy động được khối lượng lớn nguồn vốn ODA, vay ưu đãi đạt gần 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân đạt gần 32,8 tỷ USD. Tổng trị giá cấp bảo lãnh Chính phủ đạt 632,8 nghìn tỷ đồng.

Ước tính đến cuối năm 2016, ước tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Nguồn: Tờ trình về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Nợ công tăng nhanh do đâu?

Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, quá trình quản lý nợ công đến nay đã bộ lộ những hạn chế như còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, Chưa có phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công, các cơ quan có liên quan trong quản lý nợ công đã không còn phù hợp trong bối cảnh Hiến pháp 2013 và một số Luật, đặc biệt là các Luật có liên quan trực tiếp đến quản lý nợ công đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực thực hiện thời gian qua như Luật Đầu tư công 2014 và Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ (trong đó vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào 3 nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần 11,5 lần (274,2 nghìn tỷ đồng/23,9 nghìn tỷ đồng); Ngân hàng Phát triển Châu Á tăng 20,3 lần (151,1 nghìn tỷ đồng/7,5 nghìn tỷ đồng); Nhật Bản tăng 6,8 lần (243,9 nghìn tỷ đồng/35,9 nghìn tỷ đồng).

Cách đây vài ngày, trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước xác định nợ công đến 31/12/2015 nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công bằng 61,8% GDP, nợ Chính phủ bằng 50% GDP. So sánh với số 2016 trong tờ trình sáng nay của Bộ Tài Chính, con số đã tăng lên gần 2%.

Nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ tài chính thẳng thắn nêu ra Về khách quan là do mô hình tăng trưởng dựa vào vốn là chính, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, áp lực vốn đầu tư lớn trong khi tích lũy nội địa nền kinh tế còn mỏng, quy mô thị trường vốn trong nước còn nhỏ, hạn chế về khả năng cung ứng vốn trung, dài hạn và tác động của kinh tế thế giới.

Về chủ quan, còn do nhận thức về nợ công còn hạn chế, phần nào vẫn còn tâm lý "bao cấp" từ nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công, vốn vay công; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức đòi hỏi phải có điều chỉnh khuôn khổ pháp lý nhằm chủ động quản lý, phòng ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh trong công tác cho vay lại, công tác cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch trung và dài hạn về nợ công chưa thực sự gắn kết với kế hoạch đầu tư dẫn đến bị động trong công tác kiểm soát nợ công trong bối cảnh nợ công đã ở mức cao.

Thảo Nguyên

Theo Thời Đại

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/bo-truong-dinh-tien-dung-no-cong-tang-nhanh-do-mo-hinh-tang-truong-dua-vao-von-la-chinh-va-tam-ly-bao-cap-tu-nha-nuoc-20170525110505447.chn