Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: 'Có những bài học mình cần phải trả giá'

GiadinhNet - Viện KH&CN GTVT, Bộ GTVT đã có kết luận sơ bộ về sự cố mặt cầu Thăng Long bị nứt. Tuy nhiên, dư luận vẫn không đồng tình và phía nhà thầu tỏ thái độ không phục với bản kết luận.

Để rộng đường dư luận, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng. + Thưa Bộ trưởng, Viện KH&CN GTVT đã có kết luận sơ bộ về nguyên nhân sự cố nứt mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể trong sự cố này thì không bên nào chịu nhận. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này? - Vấn đề này rất cần bình tĩnh và rút kinh nghiệm. Mỗi nội dung đều có khía cạnh riêng của nó. Mặt kỹ thuật cũng có vấn đề và thi công cũng phải rút kinh nghiệm. Sự cố không phải hoàn toàn do thi công hay hoàn toàn là các biện pháp kỹ thuật. Chúng ta đang chuyển giao công nghệ, quá trình này sẽ có những phát sinh. Một số các điều kiện mới trong quá trình thực hiện đã nảy sinh mà đơn vị thi công cũng như các giải pháp kỹ thuật của Viện có thể chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của nó. + Dư luận cho rằng Viện KH&CN là cơ quan đầu ngành của bộ song lại thiếu kinh nghiệm thì với các công trình khác e ngại rằng kinh nghiệm xử lý lại có vấn đề? - Đây là công nghệ mới nên Viện hay nhà thầu đều không đơn vị nào có thể chủ quan để nói mình có kinh nghiệm. Chương trình của Bộ hiện đang chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cầu đường. Tất cả những công nghệ mới của thế giới đang áp dụng ở Việt Nam từ công nghệ dây văng, công nghệ đúc hẫng cân bằng... Trong quá trình chuyển giao này mình cần phải có ý chí học tập và áp dụng những cái mới. Quá trình áp dụng những công nghệ mới có thể có những bài học mình cần phải trả giá. Vấn đề là mình phải rút kinh nghiệm khắc phục. Nếu không mình sẽ không bao giờ làm được. + Viện trưởng Viện KH&CN nói rằng: "Công nghệ SMA không phải là lần đầu áp dụng ở Việt Nam, trước đó đã áp dụng thi công tại cầu Thuận Phước, Thành phố Đà Nẵng". Vậy tại sao với cầu Thăng Long sự cố vẫn xảy ra mà chúng ta lại không rút được kinh nghiệm? - Mỗi nơi có một đặc điểm khác nhau. Tại cầu Thăng Long chúng ta chọn thời điểm thi công vào mùa khô. Tuy nhiên, lúc đó sương mù rất nhiều và chúng tôi rất bất ngờ với chuyện này. Hơn nữa, đơn vị thi công phải làm cả ban đêm thì nhiệt độ và sương mù như vậy đã tạo ra độ ẩm vượt quá sự cho phép dẫn tới nhiệt độ hỗn hợp vật liệu thi công lại xuống nhanh và quá thấp so với yêu cầu. Những tình huống như vậy khiến không thể lường được hết. + Nhận thấy có sự trở ngại về thời tiết, tại sao chúng ta không tạm dừng việc thi công lại? - Có người cũng đã hỏi tôi: Tại sao lại chọn thời điểm cuối năm, sắp Tết hay Quốc hội đang họp mà lại làm?. Nhưng thời điểm trước thì mưa dầm dề, thời điểm sau lại rơi vào Tết không làm được. Vậy nên chỉ có thời điểm đấy là làm được. Nhiều lúc thời tiết xuất hiện sương mù, có thể đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cố. Đối với cầu Thuận Phước, khí hậu miền Trung có đặc thù nắng nóng không có sương mù. Thi công trong các điều kiện khác nhau thì sẽ có những tình huống khác nhau và không nhà kỹ thuật nào có thể chủ quan. + Nhà thầu đã bác bỏ lý do thời tiết tác động và việc thi công đều diễn ra vào ban ngày? - Tôi nói tất cả những cái đó đang nằm trong giả thiết. Mình phải tìm nguyên nhân, phải tranh luận. Cuối cũng sẽ có hội đồng đánh giá toàn bộ. Tất cả giả thiết đưa ra đều được tôn trọng, tiếp cận và xem xét. Tranh luận trong khoa học, tranh luận trong kỹ thuật là bình thường, không có một ý kiến khoa học nào nói ra chân lý ngay được. + Bộ có thuê chuyên gia nước ngoài để giám định lại? - Chúng tôi đã mời các chuyên gia chuyển giao công nghệ để giám định sự cố này. + Việc sửa chữa sự cố sẽ mất khoảng bao nhiêu kinh phí? - Chúng tôi chưa tính hết bao nhiêu nhưng kinh phí chi cho việc sửa chữa đã có trong dự phòng của công trình. + Xin cảm ơn Bộ trưởng. Quốc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100326025314239p0c1000/bo-truong-ho-nghia-dung-co-nhung-bai-hoc-minh-can-phai-tra-gia.htm