Bộ trưởng KH-ĐT: 'Bộ trưởng cũng không biết có bao nhiêu tiền'

(Tin tức thời sự) - Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc thông qua Luật Đầu tư công sẽ chuyển từ bố trí vốn hàng năm sang bố trí vốn trung hạn, tránh tình trạng chỉ biết vốn cho năm nay mà không biết năm sau có bao nhiêu tiền.

( Tin tức thời sự ) - Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc thông qua Luật Đầu tư công sẽ chuyển từ bố trí vốn hàng năm sang bố trí vốn trung hạn, tránh tình trạng chỉ biết vốn cho năm nay mà không biết năm sau có bao nhiêu tiền.

Không biết có bao nhiêu tiền

Trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lý giải tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí đã được nhắc đến nhiều năm nay nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện do địa phương không có tiền mà vẫn cứ quyết định thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

Nếu dự án có phần vốn của Trung ương thì phải được Trung ương thẩm định. Điều này trước đây không hề có. Vì vậy, 3 năm nay, chuyện đầu tư dàn trải đã khắc phục được một bước rất căn bản. Tất nhiên, những tồn đọng trong đầu tư còn nhiều nhưng sẽ dần dần giải quyết.

Thêm nữa là nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm của Trung ương, ngân sách Trung ương trước cũng dàn trải, nợ đọng nhiều.

Theo Bộ trưởng Vinh, sang năm 2014, việc bố trí vốn cho các dự án vẫn được kiểm soát chặt. Tinh thần chung là bố trí vốn cho những dự án còn nợ đọng trước, dự án hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng rồi mới bố trí cho những dự án khác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết, Chỉ thị 1792 ra đời mới khắc phục được những vấn đề trước mắt, cơ bản vẫn cần có luật để điều chỉnh đầu tư công một cách toàn diện hơn. Chẳng hạn, Chỉ thị 1792 chưa đề cập đến chủ trương đầu tư trong khi ngay chương đầu tiên của Luật Đầu tư công là về chủ trương đầu tư.

"Đây là vấn đề rất đụng chạm nhưng cũng là nguyên nhân gây dàn trải, thất thoát cho nên chủ trương đầu tư mà được kiểm soát thì sẽ tạo ra hiệu quả vô cùng lớn, hạn chế được chuyện đầu tư dàn trải.

Có chủ trương làm đường cao tốc, cảng biển, sân bay, công trình này kia thì phải chứng minh, phải có quy trình nghiên cứu, đánh giá. Dự án nhỏ phải có báo cáo đầu tư, dự án lớn phải có báo cáo tiền khả thi. Phải nghiên cứu thật kỹ để tránh tình trạng làm xong hiệu quả thấp, gây lãng phí", Bộ trưởng Vinh nói.

Theo Bộ trưởng, việc thông qua Luật Đầu tư công sẽ chuyển từ bố trí vốn hàng năm sang bố trí vốn trung hạn, tránh tình trạng chỉ biết vốn cho năm nay mà không biết năm sau có bao nhiêu tiền.

"Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không biết mình có bao nhiêu tiền. Các bộ trưởng giao thông, y tế, xây dựng, nông nghiệp quyết nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia như vậy nhưng cũng không biết năm sau có bao nhiêu tiền. Thậm chí, nói cho đúng thì đến Thủ tướng cũng không biết", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông tin.

Để thế này đất nước sẽ vỡ nợ

Trước đó, vào ngày 13/1 tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng lưu ý rằng việc kiểm soát đầu tư công là rất cần thiết, nếu tiếp tục tình trạng này thì đất nước sẽ vỡ nợ.

"Nếu cứ tiếp tục như thế thì tôi không dám công bố với các vị số nợ là bao nhiêu. Nợ của những dự án đang dở dang vô cùng lớn, đã đến lúc cần thay đổi mặc dù các địa phương, bộ, ngành rất khó chịu” - ông Vinh nói.

Trước đó, Bộ trưởng Vinh cũng từng kiến nghị "ít tiền, không làm nhiều nữa”. Theo Bộ trưởng, phải lựa chắc chắn công trình cần làm và “làm tới nơi tới chốn”, có đủ tiền chuẩn bị đầu tư cho địa phương, các bộ ngành nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.

Nếu đó là nhóm công trình đặc biệt quan trọng (như công trình nhóm A có số vốn lên tới 2-3 chục nghìn tỉ đồng) phải trình QH đánh giá khả thi, bao giờ quyết định 100% cần làm thì mới làm…

Mỗi tỉnh hàng năm nên dự trù vốn đầu tư công, trình danh mục dự án và có báo cáo cụ thể về tính khả thi cụ thể từ sự cần thiết, tổng vốn chi và khả năng chuẩn bị vốn, hạ tầng kỹ thuật cơ sở thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội để trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt.

Nếu tiền của địa phương thì địa phương tự quyết do Sở KH-ĐT thẩm định, nếu dự tính sử dụng tiền của Trung ương thì Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và báo cáo Thủ tướng.

“Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này 'chết' nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu QH, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”, ông Vinh nói.

Hà Anh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-truong-kh-dt-bo-truong-cung-khong-biet-co-bao-nhieu-tien-2364763/