Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ 'đặt hàng' 3 vấn đề lớn với tự động hóa

Với vai trò là đầu mối tập hợp và đoàn kết trí thức khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Hội Tự động hóa Việt Nam tăng cường hơn nữa kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp tiên tiến nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong điều khiển, tự động hóa. Chú trọng phát triển sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp, ứng dụng 'tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh'...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị Khoa học về điều khiển tự động hóa.

Ngày 10/5/2024, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Sở Khoa học và Công nghệ Tp.Hải Phòng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cùng phối hợp khai mạc Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7 (VCCA 2024).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, với bề dày 30 năm hoạt động, Hội Tự động hóa Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức và doanh nghiệp lĩnh vực điều khiển, tự động hóa, tạo điều kiện phát huy hiệu quả mọi nguồn lực của ngành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TỰ ĐỘNG HÓA LÀ MỘT TRONG NHỮNG CÔNG NGHỆ CAO, HƯỚNG CÔNG NGHỆ ƯU TIÊN

Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến khoa học và công nghệ, coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó tự động hóa đã được xác định là một trong những công nghệ cao, hướng công nghệ ưu tiên trong Luật Công nghệ cao và Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2030.

Khoa học và Công nghệ thay đổi hàng ngày, đặc biệt lĩnh vực tự động hóa, do vậy, danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao luôn luôn được cập nhật trong các chính sách của Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ban hành danh mục gồm 99 công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 20 công nghệ thuộc lĩnh vực tự động hóa và danh mục 107 sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển, trong đó có khoảng 30 sản phẩm thuộc lĩnh vực tự động hóa.

Trong các chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, công nghệ tự động hóa cũng thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, là cấu phần quan trọng trong nhiều Chương trình như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh, cơ khí và tự động hóa, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0, vũ trụ,...

Với sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã từng bước làm chủ việc nghiên cứu công nghệ, thiết bị, sản xuất trên quy mô công nghiệp như: Động cơ diesel V145-2 có tỉ lệ nội địa hóa 96%, cạnh tranh được với Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,…và đã được xuất khẩu đi một số nước ASEAN, Trung Đông,…

Ngoài ra đã thiết kế, sản xuất các dây chuyền chế tạo nhà thép nhẹ tiền chế đối với cả nhà dân dụng và nhà công nghiệp, trong đó, nhiều cấu hình dây chuyền sản xuất với tính năng linh hoạt khác nhau đã được chuyển giao thành công cho các đối tác trong và ngoài nước như: Úc, Bờ Biển Ngà;

Hệ thống hội chẩn từ xa (hệ thống hội chẩn video nhằm phục vụ việc hội chẩn trực tuyến các trường hợp siêu âm, X-quang, CT, MRI, DSA), có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85%, giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại…

CÁC "ĐẶT HÀNG" CỦA BỘ CHO HỘI TỰ ĐỘNG HÓA

Thông qua hội nghi, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã “đặt hàng” 3 nội dung đối với Hội Tự động hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, với vai trò là đầu mối tập hợp và đoàn kết trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Hội Tự động hóa Việt Nam tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa.

Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp; ứng dụng “tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh” trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng AI, Cloud, Blockchain, Robot, UAV;

Các đại biểu thăm quan các gian trưng bày công nghệ điều khiển tự động hóa.

Cùng với đó huy động các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tập trung giải quyết các bài toán mang tính đột phá gắn với chuyển đổi số giúp cải thiện và nâng cao mức độ tự động hóa đối với sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, trang thiết bị y tế, thành phố thông minh và dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia.

Đặc biệt, Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”, mã số: KC.01/21-30; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa”, mã số: KC.03/21-30; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các công nghệ lõi trong lĩnh vực cơ khí- tự động hóa; thành phố thông minh, giao thông thông minh; phát triển công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực tự động hóa.

Thứ ba, Bộ Khoa học và Công nghệ mong nhận được các ý kiến góp ý từ Hội Tự động hóa Việt Nam đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật về Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, vai trò của các kỹ sư tự động hóa là không thể thiếu nên rất cần gắn kết các nhà để tăng chất lượng và số lượng đào tạo ngành Điều khiển- Tự động hóa.

Với chủ đề “Tự động hóa và Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh”, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch VCCA 2024 Việt Nam nêu rõ, hội nghị là dịp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp,… để cùng nhau thảo luận, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới để tiến tới đạt mục tiêu đặt ra.

Ông Nguyễn Quân mong rằng sau sự kiện còn nhiều kết nối bởi tự động hóa là công nghệ quan trọng, dù là trong AI, IoT, Bigdata,… thì VAA cũng sẽ đồng hành với giới doanh nghiệp và các nhà khoa học để tham gia cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia.

“Tự động hóa luôn là lĩnh vực thầm lặng, không nóng như AI, bán dẫn nhưng luôn có đóng góp trong nền kinh tế kinh tế”. Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, cho rằng trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, vai trò của các kỹ sư tự động hóa là không thể thiếu nên rất cần gắn kết các nhà để tăng chất lượng và số lượng đào tạo ngành Điều khiển- Tự động hóa. Thực tế trong những năm gần đây, nguồn đào tạo tiến sĩ ngành có xu thế giảm là đang đi ngược lại với xu thế công nghệ.

Bên cạnh đó, tranh thủ tận dụng được các tiến bộ của các ngành khác như AI, bán dẫn, công nghệ số để tận dụng được các tiến bộ công nghệ phát triển tự động hóa.

Với vai trò kết nối, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn VAA thu hút được đội ngũ các chuyên gia quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, tù đó vươn tầm, nâng tâm quốc tế để phát triển công nghệ tự động hóa trong nước.

Phan Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-dat-hang-3-van-de-lon-voi-tu-dong-hoa.htm