Bộ trưởng Kim Tiến trải lòng về những đột phá năm mới

'Sắp tới sẽ đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo nhân lực y tế; Bộ Y tế cũng sẽ ban hành tiêu chuẩn giám đốc BV...' Bộ trưởng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với VietNamNet trước thềm năm mới 2017.

Năm 2016 đánh dấu nhiều điểm nhấn của ngành y từ nhân sự đến chuyên môn, chứng kiến những trái ngọt đầu tiên từ cải tổ.

Là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ, năm qua đánh dấu nhiều thành công của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Với cá nhân, thành công nhất là bà được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.

Trong công việc, nhân viên trong ngành đánh giá Bộ trưởng Y tế đương nhiệm là người rốt ráo với những tồn tại của ngành, dành nhiều nỗ lực, tâm huyết đánh vào các “lô cốt” cố hữu lâu nay như: nhận phong bì, quá tải, thái độ cán bộ y tế...

Bà cũng là một trong những tư lệnh ngành hiếm hoi đi dọc 63 tỉnh thành, mỗi nơi đều đi đến ít nhất 1 trạm y tế, trong đó có những nơi rất sâu như xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu; xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La...

Bộ trưởng Y tế chia sẻ bức ảnh dừng chân chụp cùng tam giác mạch trên trang cá nhân trong chuyến công tác Sơn La giữa tháng 12 vừa qua

Bộ trưởng Y tế chia sẻ bức ảnh dừng chân chụp cùng tam giác mạch trên trang cá nhân trong chuyến công tác Sơn La giữa tháng 12 vừa qua

Năm qua, bên cạnh những lùm xùm về vị trí chủ chốt tại các bệnh viện (BV) lớn, câu chuyện đáng tiếc tại BV Nhi TƯ, mổ nhầm chân tại BV Việt Đức, sự cố với nữ sinh tại Đắk Lắk... thì ngành y tế bắt đầu thu được những trái ngọt đầu tiên sau một nhiệm kỳ nỗ lực cải tổ.

Ngoài đời Bộ trưởng Y tế là người thẳng thắn, dễ gần, có lúc vô tư, “thật như đếm”.

Bộ trưởng đã dành cho VietNamNet buổi trò chuyện về những trăn trở để ngành y tốt lên...

Không thay đổi, bệnh viện không thể tồn tại

- Thưa Bộ trưởng, các BV đã ký cam kết thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hơn 1 năm qua, sao vẫn còn những câu chuyện đáng tiếc như tại BV K vừa qua?

Có thể nói trong suốt 5 năm qua, đột phá lớn nhất của ngành y là thay đổi toàn diện phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng người bệnh.

Cách đây 4-5 năm, vấn đề nổi cộm khiến nhiều người dân bức xúc nhất là quá tải, và thái độ của cán bộ y tế, song nhiều năm loay hoay không có đề án nào triệt để cho đến khi Bộ Y tế huy động nhiều cục, vụ xây dựng đề án đột phá này, yêu cầu các BV ký cam kết.

Vừa qua, các tổ đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã khảo sát hơn 20 BV ở cả 3 tuyến cho thấy kết quả rất khả quan, hài lòng chung đạt gần 85%, trong đó có những BV đạt 94-95%. Cải cách thủ tục hành chính cũng đã giảm từ 9-12 bước xuống còn 4-5 bước...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tôi thường không tin vào báo cáo nên bao giờ cũng phải đến tận nơi hỏi bệnh nhân, người nhà.

Vừa qua cơ sở 3 BV K có tỉ lệ hài lòng thấp nhất, chưa đạt 52% là phản ánh đúng với thực tế. Lãnh đạo BV sau đó đã hứa chấn chỉnh và kỷ luật 7 cán bộ. Trong cả ngành, đến nay chúng tôi cũng đã xử lý kỷ luật gần 7.000 cán bộ.

- Bà có lo lắng mọi thứ sẽ quay lại như cũ khi triển khai những đề án khác?

Mọi thứ từ nay trở đi sẽ phải tốt lên, cả cán bộ y tế và bệnh nhân sẽ phải yêu quý nhau để cùng tốt lên. Thậm chí đến một lúc nào đó, cán bộ y tế sẽ phải cúi chào bệnh nhân.

Khi thực hiện đề án đổi mới toàn diện phong cách, thái độ, chúng tôi luôn nói với cán bộ y tế phải đổi mới từ trong tim, trong óc, trong máu của mình.

Nếu không thay đổi, BV không thể tồn tại được, do bệnh nhân quay lưng, BHYT không chi trả, cán bộ sẽ không có việc làm.

Không chấp nhận 5 người/ giường bệnh

- Còn vấn đề quá tải, người dân cũng muốn biết liệu đến khi nào sẽ chấm dứt cảnh nằm ghép khi hầu hết các BV đã ký cam kết?

4-5 người 1 giường bệnh thì không thể hài lòng được. Thời gian tới, khi mở thêm một số cơ sở, tổ chức khoa khám bệnh tốt hơn thì chắc chắn tình trạng nằm ghép sẽ được cải thiện và đến 2020 cơ bản khống chế được nằm ghép.

Sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ siết ngắn thời gian điều trị nội trú. Không thể để nằm 4-5 ngày mới mổ. Giờ phải làm tất cả xét nghiệm bên ngoài, hội chẩn chuyên môn sâu rồi 1-2 ngày là mổ luôn. Mổ xong chuyển về các BV vệ tinh.

BV nào quá tải sẽ giảm bớt số thẻ BHYT. Chúng tôi cũng đã làm việc với BHYT, nằm ghép là không tính tiền.

- Có thực mới vực được đạo, nên có lẽ không thể hô khẩu hiệu suông yêu cầu cán bộ y tế phải thay đổi khi việc đó không gắn với gia tăng thu nhập. Nhiều người trong ngành than lương quá thấp, bà có cho rằng cần tăng lương?

Khi triển khai đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, chúng tôi gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất cho anh em.

Trước hết là đổi mới cơ chế tài chính. Ngoài ra Bộ Y tế đang đẩy mạnh xã hội hóa các BV, vừa bù đắp các chi phí chưa được thu đối với khu vực BHYT, vừa tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên.

So với trước đây, hiện cán bộ y tế ngay khi ra trường đã hưởng lương bậc 7 (cao hơn cũ 1 bậc), tương đương trình độ thạc sĩ các ngành khác, còn nếu tốt nghiệp chuyên khoa sẽ hưởng bậc 8, tương đương trình độ tiến sĩ, nên không cần đề xuất tăng lương khởi điểm.

Tiêu chuẩn riêng cho giám đốc BV

- Với ngành y, dường như đang có sự lẫn lộn giữa quản lý và chuyên môn, giữa hàn lâm và thực hành, thưa Bộ trưởng?

Ở Việt Nam vừa qua là chưa hội nhập. Ở nước ngoài, hệ chuyên khoa còn cạnh tranh, thi khó hơn nhiều so với thạc sĩ, tiến sĩ.

Sắp tới chúng tôi sẽ đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo nhân lực y tế, chia thành 2 loại đào tạo hàn lâm (thạc sĩ, tiến sĩ) và chuyên khoa thực hành.

Nếu theo lâm sàng sẽ phải học dài hơn bây giờ. Sau 6 năm vẫn chưa được cấp bằng mà phải học thêm 1 năm tại các BV, sau đó mới thi chứng chỉ hành nghề.

Muốn học lên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, cần ít nhất thêm 3-5 năm nữa, để đảm bảo tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng sẽ ban hành tiêu chuẩn giám đốc BV trên tinh thần đổi mới, đòi hỏi ngoài chuyên môn ngành y, thì phải học thêm quản lý hạ tầng, tài chính, nhân sự. Sắp tới sẽ được bổ sung trong chương trình đào tạo với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế. Không đổi mới thì không hội nhập được.

Hiện nay gần như toàn bộ giám đốc BV đều từ chuyên môn giỏi qua tín nhiệm, lấy phiếu, cùng lắm mới chỉ học được thêm một số chứng chỉ về quản lý BV.

Khi các BV tự chủ, sẽ có hội đồng quản trị, có chủ tịch hội đồng và các thành viên, từ đó sẽ chọn ra một giám đốc.

- Cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện!

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-truong-kim-tien-trai-long-ve-nhung-dot-pha-nam-toi-349775.html