Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thừa nhận tình trạng xây dựng sai phép, không phép là có thật, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua, tỷ lệ công trình xây dựng sai phép, không phép có giảm dần nhưng còn lớn, khoảng 12-13%, với hơn 15 nghìn công trình sai phạm. Do đó, cần tăng cường quản lý đô thị, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đây là thông tin từ phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà diễn ra sáng ngày 16-8 theo chương trình Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy hoạch đô thị ở nước ta còn hạn chế

Các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà về các vấn đề: Giải pháp xử lý nước thải, rác thải; bố trí nơi vui chơi giải trí; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công; nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng...

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm cuộc sống cho con người trong cả hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa bảo đảm, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (thí dụ, quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện dẫn tới tình trạng quy hoạch treo... Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá...

Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai...

Về vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra là có hay không tình trạng trục lợi trong quy hoạch, Bộ trưởng Xây dựng nhận định, về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi... Tới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch bảo đảm nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch.

Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch....

Chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép rất khó

Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Ông cho biết, thời gian qua các địa phương đã tăng cường quản lý nên tỷ lệ sai phép có giảm dần nhưng còn rất lớn, khoảng 12-13% trong tổng số công trình xây dựng. Có khoảng hơn 15 nghìn công trình sai phạm sai phép và không phép. Do vậy, cần tăng cường công tác quản lý, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, trước hết là việc cấp giấy phép nhưng không đúng quy hoạch chi tiết hay thiết kế đô thị khu vực đó; cấp giấy đúng nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm; không thường xuyên thanh tra kịp thời, nhất là có vụ việc chỉ được phát hiện sau khi báo chí, dư luận có ý kiến; thanh tra rồi nhưng có vụ việc xử lý không dứt điểm.

Và để khắc phục tình trạng trên, theo Bộ trưởng Xây dựng, cần hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng... Và Bộ đang trình nghị định mới sau khi tổng hợp thực tiễn để làm sao đưa ra công cụ kiểm soát tốt hơn, bố trí lực lượng thanh tra tốt hơn và có chế tài phù hợp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc Bộ trưởng có cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép hay không, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ rằng đây là câu hỏi rất khó. “Chúng tôi nhận trách nhiệm của mình về việc này, nhưng cam kết có chấm dứt tình trạng xây dựng không phép hay sai phép hay không, cá nhân tôi, dù hết sức trách nhiệm cũng không dám cam kết trong một thời gian ngắn tới có thể giảm được tình trạng này”, ông Hà cho hay.

Bộ trưởng Xây dựng cũng khẳng định, việc này cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương. Về phía Bộ cũng sẽ tập trung thanh tra một số điểm vi phạm và sẽ xử lý trong thẩm quyền.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý đô thị

Trong phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Kinh tế đô thị đã góp phần đặc biệt quan trọng, kinh tế đô thị và khu công nghiệp chiếm xấp xỉ 80% quy mô của nền kinh tế. Các đô thị thật sự là động lực của nền kinh tế, trở thành hạt nhân của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đánh giá, đô thị còn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu, và hiệu quả phát triển đô thị còn thấp. Hệ thống hạ tầng của nhiều đô thị chưa đầy đủ và còn thiếu đồng bộ. Kiến trúc, cảnh quan ở nhiều đô thị, nhiều khu vực trong đô thị còn thiếu nét đặc trưng riêng và thiếu bản sắc. Việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, cả trong đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ và xây dựng công trình.

Tình trạng vi phạm quy hoạch, xây dựng thiếu phép, sai phép còn diễn ra và chưa được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Việc xây dựng nhà ở trong đô thị còn mất cân đối, đặc biệt là xây dựng nhà ở xã hội - nhu cầu rất lớn, phù hợp với đại đa số người dân, nhưng đầu tư còn chậm, thậm chí có địa phương chưa chú ý nhiều đến lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham gia giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm tại buổi chất vấn, sáng 16-8.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết do công tác lập quy hoạch nói chung, và quy hoạch đô thị nói riêng được các địa phương tập trung thực hiện. Tuy đã rất nỗ lực, song nhiều khu vực phát triển nhanh, trong khi việc lập quy hoạch xây dựng chậm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phát triển đô thị. Hệ thống quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ. Chất lượng không ít quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở một số nơi còn tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên.

Thứ hai, công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, còn thiếu quy định về quy hoạch dẫn đến tình trạng “có quy hoạch là có đầu tư”, dẫn đến đầu tư theo phong trào, gây dư thừa bất động sản trong một thời kỳ. Công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị ở nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến vi phạm pháp luật. Tổ chức đầu tư hạ tầng theo quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ do thiếu vốn đầu tư.

Ngoài ra, pháp luật về quản lý đô thị còn thiếu, hiện nay mới có Nghị định về quản lý phát triển đô thị, hiệu lực chưa cao.

Do đó, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển. Trước hết cần rà soát, đánh giá tổng kết Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, để trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 5; hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; rà soát, xây dựng mới các Nghị định hướng dẫn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về đô thị, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng, cũng như với Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33796302-bo-truong-pham-hong-ha-tra-loi-chat-van-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi.html