Bộ Y tế gấp rút chuẩn bị để liên thông kết quả xét nghiệm y học

Bộ Y tế vừa chỉ đạo các bệnh viện rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1/7/2017.

Nâng cao chất lượng xét nghiệm y học khi thực hiện liên thông kết quả. Ảnh minh họa: Dương Ngọc – TTXVN

Bộ Y tế mới đây đã chỉ đạo giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện hạng I tổ chức rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1-7-2017, bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1-1-2018.

*Nhiều lợi ích từ việc liên thông

Đánh giá về lợi ích của việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, hiện chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán lên tới gần 20% tổng chi khám chữa bệnh, 60% chi cho thuốc nên không còn nhiều để nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Do đó, việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện không những giúp bệnh nhân và gia đình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời tránh được sự lãng phí và tiêu cực liên quan đến việc chỉ định xét nghiệm tràn lan.

Ông Sơn nhấn mạnh, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật, vì liên thông là nhiều bệnh viện cùng sử dụng một kết quả xét nghiệm nên yêu cầu dịch vụ xét nghiệm phải đạt chuẩn. Chuẩn ở đây bao gồm cả chuẩn về thiết bị, về kỹ thuật viên và chuẩn về quy trình.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh khẳng định, việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm sẽ giúp giảm chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đẩy nhanh việc hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.

* Lộ trình thực hiện

Xét nghiệm y học là một trong những lĩnh vực không thể thiếu và có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán bệnh, xác định căn nguyên để quyết định phương pháp điều trị, tiên lượng và phòng bệnh phù hợp.

Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến nay, số lượng xét nghiệm tại các bệnh viện tăng trung bình hơn 10% mỗi năm. Năm 2016 các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện hơn 516 triệu xét nghiệm các loại.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác xét nghiệm y học hiện nay vẫn còn những bất cập, đặc biệt là các cơ sở y tế vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho bệnh nhân và xã hội.

Do đó, ngày 27-2-2016, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 316/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.

Một trong 3 mục tiêu quan trọng của đề án là liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm trên toàn quốc, bảo đảm lộ trình: chậm nhất đến năm 2018, liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương; chậm nhất đến năm 2020, liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2025, liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 13-2-2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1154/VPCP-KGVX về thực hiện lộ trình liên thông công nhận kết quả xét nghiệm đối các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I và tương đương, yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện trực thuộc Bộ trước ngày 1-7-2017.

Thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg và Công văn số 1154/VPCP-KGVX, Bộ Y tế đã chỉ đạo, giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện hạng I tổ chức rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1-7-2017, bệnh viện hạng I và tương đương trước ngày 1-1-2018.

* Để liên thông thông suốt

Bàn về giải pháp để việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm được thực hiện đúng lộ trình, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhìn nhận, hiện nay, chất lượng các phòng xét nghiệm trong cả nước vẫn chưa đồng nhất, vẫn còn nhiều bệnh viện yếu kém về xét nghiệm. Do đó, để liên thông kết quả xét nghiệm, phải chuẩn hóa, nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Bộ Y tế cho biết, sẽ hình thành, phát triển mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu trên toàn quốc để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học tại các bệnh viện theo 5 mức: rất tốt, tốt, khá, trung bình khá, trung bình và không xếp hạng.

Đây cũng là bộ công cụ để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện nói chung, từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm nói riêng, nhằm đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh, giảm phiền hà và giảm chi phí cho người bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị Giám đốc các bệnh viện tổ chức rà soát các khoa xét nghiệm; nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xét nghiệm; thực hiện các giải pháp để chuẩn hóa chất lượng kết quả xét nghiệm giữa các khoa xét nghiệm trong mỗi bệnh viện. Bên cạnh đó, cần lập kế hoạch hoạt động cụ thể các công việc để chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện theo lộ trình quy định./.

Minh Hiếu/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bo-y-te-gap-rut-chuan-bi-de-lien-thong-ket-qua-xet-nghiem-y-hoc/38864.html