Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh bạch hầu khẩn cấp

Sau khi xuất hiện dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại trường cấp 3 trên địa bàn huyện Tây Giang khiến 2 học sinh tử vong. Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo phòng bệnh bạch hầu gấp.

Tối 16/1, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, xác nhận trong ngày cơ quan này đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc bùng phát ổ dịch bạch hầu tại một trường cấp 3 trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân.

Cùng ngày, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã cử đoàn công tác đến Trường THPT Tây Giang để hỗ trợ khống chế dịch bệnh. Trước đó, ngày 10/1, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang về việc xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại Trường THPT Tây Giang.

Một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: VTV

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng cùng lãnh đạo huyện Tây Giang, Ban Giám hiệu nhà trường nhanh chóng nắm bắt tình hình và thành lập các đoàn công tác để điều tra, khẩn trương tiến hành các biện pháp chuyên môn để kiểm soát, khống chế tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, qua giám sát, ngành y tế đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh và nghi nhiễm bệnh bạch hầu với các triệu chứng như: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó; ngoài ra, 8 người có nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

Trong số 5 trường hợp mắc bệnh, có 2 ca tử vong là em Bhling Boong (17 tuổi, trú tại xã A Vương) và Zơrâm Sáo (17 tuổi, trú tại xã Axan).

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bất cứ trường hợp nào chưa có miễn dịch, chưa tiếp xúc với mầm bệnh, chưa tiêm phòng đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch đều dễ mắc bạch hầu. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, tiến sĩ Phu khuyến cáo, báo Đời sống plus đưa tin.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo:

Trước hết, để đảm bảo không có ca mắc bạch hầu mới, những người thuộc diện nghi ngờ, tiếp xúc gần sẽ được uống thuốc dự phòng, tiếp đó tiêm vắc xin. Cụ thể, trường THPT Tây Giang có 20 lớp với 789 học sinh, 70 giáo viên và cấp dưỡng. Hiện đã có 866 người được uống thuốc dự phòng và đang tiến hành tiêm ngừa vắc xin cho hơn 700 người.

Người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đúng lịch. Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Với người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo Đời sống plus, CAND)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/bo-y-te-khuyen-cao-phong-benh-bach-hau-khan-cap-d90418.html