Bộ Y tế tiếp tục nâng mức cảnh báo phòng chống dịch cúm gia cầm

May mắn, đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người.

Mới đây, bộ Y tế vừa tổ chức một cuộc họp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để thông báo về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9 và các giải pháp phòng chống dịch này.

Tại cuộc họp, Thạc sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (cục Y tế dự phòng) cho biết, dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc. Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch có dấu hiệu tăng mạnh tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 498 ca mắc tại 14 tỉnh. 3 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc có 487 ca mắc, trong đó 99 ca tử vong. Dịch cúm A/H7N9 chủ yếu tập trung tại phía Nam Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Hai tỉnh này có chung biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

May mắn, đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khuyến cáo rằng dịch có thể sẽ bùng phát nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh dịch.

Qua tình hình trên, bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9

Bệnh cúm A/H7N9 ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A/H7N9 có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng chống bệnh cúm A/H7N9 ở người, cục Y tế dự phòng, bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi.

Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A/H7N9 và được khám, chẩn đoán để xác định.

Vĩnh Thựu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bo-y-te-tiep-tuc-nang-muc-canh-bao-phong-chong-dich-cum-gia-cam-a319428.html