Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra vụ nhập nhèm khẩu trang dán mác Nhật Bản

Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh yêu cầu khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin sản phẩm khẩu trang không đảm bảo chất lượng được phát hiện tại một số cơ sở sản xuất ở tỉnh này và gửi về Bộ Y tế trước ngày 26/12.

Thời gian vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh nội dung khẩu trang y tế với bao bì, nhãn mác của Nhật Bản nhưng sản phẩm khẩu trang bên trong lại được sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh, không đảm bảo chất lượng.

Khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng rất có hại cho sức khỏe người dùng.

Nhằm làm rõ sự việc và kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra sự việc theo các nội dung công luận đã nêu và có báo cáo gửi về Bộ Y tế trước ngày 26/12 để phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ, chấn chỉnh trong phạm vi cả nước.

Trước đó, theo khảo sát của VTV tại một cơ sở sản xuất sản phẩm này ở Bắc Ninh, người bán cho biết, đây là sản phẩm có chất lượng kém nhất, với giá chỉ 10.000 đồng/hộp 50 cái.

Ở một cơ sở sản xuất khác, người bán còn khẳng định loại bao bì này đã được doanh nghiệp của ông đăng ký bản quyền với Bộ Y tế.

Thử kiểm tra chất lượng loại khẩu trang để tìm hiểu vì sao nó lại có giá rẻ nhất, phóng viên đã nhanh chóng có câu trả lời. Theo tiêu chuẩn quốc gia về các loại khẩu trang y tế thông thường, lớp ở giữa phải không thấm nước. Còn sản phẩm này, chỉ cần một lượng nước nhỏ, chiếc khẩu trang đã lập tức biến dạng.

Trước đó, Bộ Y tế cũng từng có công văn số 135/BYT-TB-CT ngày 13/1/2014 và công văn số 7417/BYT-TB-CT ngày 5/10/2015 gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế.

Ngày 15/5, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, lưu hành, mua bán, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, nhãn trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Nghị định này quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm: Phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, lưu hành, mua bán, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, nhãn trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, các trang thiết bị y tế phải đảm bảo chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính kỹ thuật, công dụng của trang thiết bị y tế và các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra đối với người sử dụng; bảo đảm truy xuất nguồn gốc của trang thiết bị y tế.

>>> Xem thêm: Để khỏi "vỡ mộng" vì nhan sắc thanh niên Nhật Bản đeo khẩu trang đi hẹn hò

P.V

Tin tài trợ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/bo-y-te-yeu-cau-kiem-tra-vu-nhap-nhem-khau-trang-dan-mac-nhat-ban-d294328.html