Bóc mẽ tật xấu của người vi phạm Luật Giao thông Việt Nam

Khi tham gia giao thông, có thể do cố tình hay vô ý dẫn đến vi phạm Luật Giao thông nhưng tâm lý chung của người vi phạm thường là không muốn bị xử phạt, ngại phiền phức, mất thời gian… từ đó thường phát sinh nhiều tật xấu.

Đặc biệt, khi có sự tác động từ “tâm lý đám đông”, hiệu ứng “mạng xã hội” dường như càng làm cho những tật xấu này trở nên phổ biến. TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia Tâm lý tội phạm, có bài viết lý giải về tật xấu của người vi phạm Luật giao thông như sau:

Tật xấu ở đây có thể hiểu là cách ứng xử tiêu cực của người vi phạm Luật giao thông khi bị xử lý vi phạm. Cách ứng xử tiêu cực của người vi phạm Luật giao thông có thể chia thành 02 kiểu cơ bản: ôn hòa và chống đối.

Quay, làm clip xuyên tạc, bôi nhọ lực lượng CSGT (Ảnh minh họa)

Quay, làm clip xuyên tạc, bôi nhọ lực lượng CSGT (Ảnh minh họa)

Người có cách ứng xử ôn hòa khi bị xử lý vi phạm thường là những người do vô ý vi phạm, chưa nhận biết rõ hành vi vi phạm của mình hoặc nhận thức rõ nhưng vì lý do nào đó mà cố tình vi phạm. Và, họ không muốn bị xử phạt, bị phiền phức, mất thời gian khi bị xử lý vi phạm… từ đó dẫn đến cách ứng xử ôn hòa nhưng mang tính tiêu cực.

Cách ứng xử của những người theo xu hướng này thường biểu hiện ở chuỗi thái độ và hành vi như: chăm chú lắng nghe phân tích lỗi của CSGT - chân thành nhận lỗi - năn nỉ xin bỏ qua.

Tùy theo thái độ của người thi hành công vụ, người vi phạm thường lựa chọn một số cách xử lý tình huống mang tính tiêu cực như:

- Đưa hối lộ: Đa số người tham gia giao thông ở Việt Nam đều có thành kiến về hành vi tiêu cực của lực lượng CSGT. Vì vậy, một trong những cách xử lý ôn hòa của họ là đưa hối lộ cho lực lượng CSGT để tránh phiền phức, mất thời gian và cách làm này đôi khi hiệu quả khi gặp những CSGT có hành vi mãi lộ. Hành vi này của người vi phạm thể hiện ý thức pháp luật kém, tiếp tay cho hành vi mãi lộ của một số CSGT và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mãi lộ của CSGT.

Người vi phạm đưa hối lộ cho CSGT (Ảnh minh họa).

- Nhờ sự trợ giúp của người thân: Một khi cách đưa hối lộ không hiệu quả một số người vi phạm thường không chấp nhận bị xử phạt mà thường tìm kiếm sự trợ giúp từ các mối quan hệ, kể cả khi biên bản xử phạt đã được lập họ vẫn muốn giải quyết theo cách tiêu cực này. Cách làm này đôi khi cũng đem lại hiệu quả do sự vị nể, không nghiêm minh của lực lượng CSGT và dễ dẫn đến xu hướng tiếp tục vi phạm của người vi phạm Luật giao thông.

Ở đây, người vi phạm có cách ứng xử tiêu cực nhưng người thực thi công vụ và người thân trợ giúp cho họ lại đóng vai trò chủ yếu dẫn đến hành vi ứng xử tiêu cực này. Chẳng hạn, lực lượng CSGT xử lý nghiêm minh, không vị nể theo tinh thần “Pháp bất vị thân” và những người có quyền lực kiên quyết không trợ giúp cho người thân khi vi phạm Luật giao thông chắc chắn hành vi tiêu cực này sẽ giảm đáng kể.

- Chấp nhận bị xử phạt nhưng thành kiến với lực lượng CSGT: Đây cũng là biểu hiện cách ứng xử tiêu cực của người vi phạm Luật giao thông. Theo lẽ thông thường, vi phạm sẽ bị xử phạt, nhưng tâm lý chung người vi phạm rất khó chấp nhận bị phạt từ đó dẫn đến thành kiến với lực lượng CSGT và có thể dẫn đến thái độ hành vi tiêu cực sau này như: cổ súy cho hành vi chống người thi hành công vụ là CSGT; lựa chọn cách ứng xử chống đối thay vi ôn hòa khi tái vi phạm Luật giao thông.

- Chuyển từ cách ứng xử ôn hòa thành chống đối: Một số người vi phạm mặc dù xác định cách ứng xử ôn hòa khi bị xử lý nhưng khi không giải quyết được tình huống theo cách tiêu cực có thể chuyển thành cách ứng xử chống đối như: chửi bới, lăng mạ lực lượng CSGT; quay clip, chụp ảnh xuyên tạc hành vi của lực lượng CSGT.

Khác với người ứng xử tiêu cực với thái độ ôn hòa, một số người vi phạm Luật giao thông có cách ứng xử theo kiểu chống đối, biểu hiện ở một số thái độ, hành vi cụ thể sau:

- Sẵn sàng gây hấn, gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi bị xử lý vi phạm: Đây là hành vi khá phổ biến của người vi phạm Luật giao thông trong thời gian gần đây, đặc biệt là số người vi phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân hình thành tật xấu này một phần do họ có thành kiến với lực lượng CSGT mặt khác là do “tâm lý đám đông”, “hiệu ứng mạng xã hội” tác động.

Người vi phạm gây khó khăn, lăng mạ CSGT (Ảnh minh họa)

Một số người vi phạm nhận thức về Luật giao thông đường bộ chưa sâu sắc nhưng do thường xuyên xem các clip xuyên tạc, chống người thi hành công vụ trên mạng nên bị chi phối bởi cơ chế “bắt chước” dẫn đến hành vi chống đối. Nhiều thanh niên nhận thức rất ngây ngô về Luật giao thông, bắt bẻ lực lượng CSGT, cãi ngang, cãi bướng, cố tình gây khó khăn, làm mất thời gian, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT… do bắt chước hành vi chống đối của các clip xuyên tạc trên mạng.

- Làm clip xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của lực lượng CSGT: Câu nói cửa miệng của những người vi phạm có ý định làm clip xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của lực lượng CSGT thường là “các anh sẽ được lên Youtube”, “các anh sẽ được mọi người biết đến”…

Trong quá trình quay clip về quá trình thực thi công vụ của lực lượng CSGT, họ thường có lời nói, hành động xúc phạm, kích động nhằm làm cho CSGT mất bình tĩnh, có cách ứng xử không đúng mực. Sau khi quay clip, họ sẽ chủ động cắt xén, thêm bớt hình ảnh, nội dung quá trình, đặt tiêu đề “hót” để thu hút sự chú ý của cư dân mạng, cố tình xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của lực lượng CSGT.

Thực tế, nhiều đối tượng đã bị xử lý về hành vi làm clip xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của lực lượng CSGT. Khi bị xử lý về hành vi này, đối tượng thường nhận thức rõ hành vi của mình, thể hiện sự ăn năn, hối cải. Tuy nhiên, cư dân mạng hầu như không biết được điều này hoặc không quan tâm nên vẫn tiếp tục bắt chước, cổ súy cho hành vi chống đối của các đối tượng.

Trên đây là những tật xấu phổ biến của người bị xử lý về hành vi vi phạm Luật giao thông. Thiết nghĩ, để xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân, cần phải hạn chế, loại bỏ những tật xấu của người vi phạm Luật giao thông.

TS. Đoàn Văn Báu – Chuyên gia Tâm lý tội phạm

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tat-xau-cua-nguoi-vi-pham-luat-giao-thong-427372/