Bom, hóa chất và câu trả lời có như không

Thế giới lại lộn tung, bởi bom, bởi những động thái hiếu chiến, bởi hóa chất.

“Tin nhắn” từ bom

Vùng du lịch miền Nam Thái Lan đã rung chuyển với 11 quả bom chỉ trong hai ngày (thứ Nam, thứ Sáu – 11-12/8). Những trái bom đã nhắm ngay vào các điểm du lịch nổi tiếng như hòn đảo Phuket, khu nghỉ mát cao cấp Hua Hin nơi có cung điện hoàng gia, giết chết 4 người (không có người nước ngoài) và hàng chục người bị thương, ngay sau khi nước này chấp nhận một Hiến pháp do quân đội hậu thuẫn. Các khu vực bị đánh bom chính là một trong những nơi bỏ phiếu cao nhất thông qua Hiến pháp gia tăng quyền lực cho chính quyền này. Mặc dù theo NPR, người dân nơi đây thông qua chủ yếu là vì thấy ngành du lịch đang phát triển tốt.

Thứ sáu là ngày nghỉ lễ của Thái Lan nhằm kỷ niệm sinh nhật của Nữ hoàng, và được coi như Ngày của Mẹ. Không có nhóm nhận trách nhiệm, cũng chưa có kết luận về thủ phạm, mặc dù nghi ngờ có thể là do lực lượng nổi dậy ở tỉnh người Hồi giáo chiếm đa số. Bằng chứng sơ bộ cho thấy những quả bom không được thiết kế để gây sát thương tối đa, dường như mang ý nghĩa cảnh cáo hơn và gây thiệt hại về tâm lý nhiều hơn.

Chính phủ Thái Lan đã nhanh chóng loại trừ chủ nghĩa khủng bố, song người ta hoài nghi tuyên bố như vậy chỉ nhằm trấn an du khách và bảo vệ ngành công nghiệp du lịch. Các cuộc tấn công là tin xấu đối với ngành du lịch của Thái Lan (đóng góp 10% GDP), vốn là một trong số ít điểm sáng trong nền kinh tế chậm chạp.

Bất kể những vụ nổ này gây ra tác động là gì, do ai làm và với mục đích gì, thì có thể nói: không chỉ du khách mà cả người dân Thái Lan cũng sẽ lo lắng. 11 quả bom sẽ là những hạt mầm hoài nghi gieo vào lòng người dân về việc liệu Chính phủ có thực sự đảm bảo an toàn như lời hứa của họ hay không.

“Lời nguyền” bị phá vỡ

Năm nay dường như là thời điểm để phá vỡ các “lời nguyền”. Sau Euro là đến Olympic Rio 2016. Có rất nhiều cá nhân đã trở thành hiện tượng. Simone Bibles với chiến thắng vang dội ở thể dục dụng cụ (cũng là người có hiệu suất cao nhất trong đội), Simone Manuel cho 100m bơi tự do nữ, phá vỡ lịch sử chưa từng có một vận động viên Mỹ gốc Phi nào được huy chương ở hồ bơi - vốn bị chỉ trích là có sự phân biệt chủng tộc. Hoàng Kim Vinh trình diễn xuất sắc mang về HCV đầu tiên cho Việt tại một kỳ Thế vận hội. Nhưng người ta nói nhiều đến anh không chỉ là tấm huy chương, mà cả sự vượt khó với “truyền thống” thiếu thốn trăm bề. Trong khi đó, những VĐV được đầu tư nhiều nhất, đi huấn luyện nước ngoài với khoản tiền không nhỏ lại ra về mà không để lại ấn tượng đáng kể nào.

Bóng ma doping tiếp tục treo lủng lẳng. Sau Nga là đến Kenya với huấn luyện viên đã bị bắt. Điều đó không có nghĩa không doping ở Rio. Có lẽ chỉ là chưa phát hiện ra. Như trường hợp màu xanh bí ẩn ở hồ bơi Olympic (giờ đã đóng cửa). Sau nhiều thử nghiệm, quan chức Olympic tuyên bố nguyên nhân là do mất cân bằng hóa học bởi quá nhiều người dưới nước?!

Quan chức Olympic nói rằng nước xanh là “do mất cân bằng hóa học”, nhưng lại không nói đề cập cụ thể có ảnh hưởng đến các VĐV hay không. Ảnh: CNN

Nhưng các chuyên gia phản đối. Jamie Novak, quản lý thương hiệu tại NC Brands, nhà sản xuất các chất phục vụ cho hồ bơi và spa ở Connecticut, cho biết: Nếu hệ thống của hồ bơi có kích thước đúng, được lọc đầy đủ và sử dụng chất hóa học thích hợp, họ có thể duy trì độ trong và vệ sinh của môi trường nước, ngay cả khi vào mùa cao điểm. Hernandez nói rằng lời giải thích của quan chức chỉ là bao biện, bởi không lường trước, không có kế hoạch đối phó với một lượng lớn người bơi lội tại một sự kiện như Thế vận hội là một trong những sai lầm ngớ ngẩn nhất.

Lại một ngụy biện khác khi người phát ngôn Olympic nói với AP: Hóa học không phải ngành khoa học chính xác. Trang SBNation phản bác: Nó chính là môn khoa học chính xác. Mọi thứ xảy ra trong hóa học có thể định lượng chính xác. Bill Nye (nhà khoa học nổi tiếng) nghe thấy cũng phải lật bàn.

Làm hòa

9 tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn một chiếc máy bay Nga trên gần biên giới Syria, mối quan hệ giữa hai nước trở nên cực kỳ tồi tệ. Nhưng sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại St Petersburg hôm thứ ba (9/8), hai bên tuyên bố đã khôi phục lại mối quan hệ song phương về mức trước vụ bắn súng cuối tháng 11/2015.

Mối quan hệ này dần tan băng kể từ tháng 6/2016, khi ông Erdogan viết lá thư bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc” với gia đình các phi công đã thiệt mạng. Khi ông Erdogan đối mặt với đảo chính, Tổng thống Nga cũng là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên gọi điện hỏi thăm và cung cấp hỗ trợ. Ngược lại với NATO toàn chỉ trích sự đàn áp mạnh tay sau đảo chính của Ankara, còn Mỹ thì không chịu giao giáo sĩ bị cáo buộc đứng đằng sau. Chưa kể đàm phán khó khăn với EU về vấn đề người di cư.

Tuy nhiên, trong khi quan chức Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng ông Erdogan xích lại gần Moscow một phần muốn chứng minh với NATO rằng: Tôi không chỉ có anh, tôi còn nhiều anh bạn khác!

Fadi Hakura, chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỳ làm cho Chatham House ở London, nói: Ông ấy đang dùng Nga để thu hút sự chú ý của Mỹ và châu Âu. Có thể đúng, có thể không, nhưng Nga hẳn cũng vui lòng nếu như có thể thúc đẩy căng thẳng giữa NATO với đối tác liên minh. Như Hakura nhận định: Với Nga, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là “liên minh thuận tiện, chứ không phải liên minh chiến lược”.

Phán quyết Biển Đông: một tháng sau

Đã một tháng kể từ phán quyết khi Tòa án quốc tế của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đưa ra phán quyết giải quyết tranh chấp về quyền lợi hàng hải trên Biển Đông, giữa Philippines với Trung Quốc.

Đúng như dự đoán, Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận phán quyết của PCA, nhưng cũng tự khắc chế không thực hiện những động thái quá khiêu khích. Theo Diplomat, Bắc Kinh đang chờ thời cơ, có lẽ là sau Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 9/2016 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Có thể một phần là do đã hoàn thành cơ bản nhà chứa máy bay tại Trường Sa, theo hình ảnh vệ tinh của Mỹ , nên Bắc Kinh kiên nhẫn duy trì sự kín đáo và ổn định để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình, tránh kích thích Washington và các đồng minh trong khu vực gia tăng kiềm chế Trung Quốc.

Ảnh: AFP

Thay vào đó, họ dùng chính sách “tự hào dân tộc, “ chiến tranh nhân dân ”, “quan hệ công chúng”, nhằm tận dụng sức mạnh của một đất nước chiếm một phần bảy dân số thế giới và ngôn ngữ được sử dụng phổ biến không kém tiếng Anh. Đồng thời, thách thức tính hợp pháp của Tòa án, tự xây dựng luật định trên biển với Tòa án trong nước.

Đáng ngại hơn, trong khi chỉ trích Mỹ và các nước có liên quan gây thù hằn trong khu vực, thì lại tách riêng Manila, khi tuyên bố rằng vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán song phương với Philippines. Kiềm chế kết hợp dụ hoặc là chính sách quen thuộc để bẻ dần “bó đũa” ASEAN.

Những động thái được dàn dựng một cách cẩn thận như vậy đòi hỏi phản ứng nhanh chóng, chứ không chỉ còn là những tuyên bố cực lực phản đối nữa.

Lục Kiếm

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/bom-hoa-chat-va-cau-tra-loi-co-nhu-khong