Bom tấn 'Rogue One': Ác liệt nhưng còn để lại tiếc nuối

“Rogue One” có thể khiến fan ruột của “Star Wars” thỏa mãn bằng những pha hành động hoành tráng. Nhưng kịch bản sơ sài và cách dựng phim lộn xộn là điều không ai có thể phủ nhận.

Ra mắt phần đầu tiên năm 1977, Star Wars - tác phẩm phiêu lưu giả tưởng của đạo diễn George Lucas - gây choáng váng cho người đam mê điện ảnh, và nhanh chóng thu hút số lượng lớn fan trên toàn thế giới.

Trải qua gần 40 năm, Star Wars đến nay là một trong những thương hiệu vĩ đại nhất, với bảy tập phim điện ảnh, cùng vô vàn sản phẩm kèm theo như trò chơi điện tử, truyện tranh, tiểu thuyết, phim hoạt hình…

Cho đến giờ, Chiến tranh giữa các vì sao là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa đại chúng nước Mỹ, với những câu chuyện xảy ra tại “thiên hà xa thật xa”, vẫn không ngừng được mở rộng thông qua những nhân vật huyền thoại như nhà Skywalker, Darth Vader, Han Solo, Yoda…

Sau khi mua lại Lucasfilm, Disney lên kế hoạch triệt để khai thác Star Wars, đầu tiên là với tập phim thứ bảy mang tên The Force Awakens. Ra mắt dịp Giáng sinh 2015, bom tấn thu hơn 2 tỷ USD và hiện là một trong ba tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại.

Rogue One: A Star Wars Story là tập phim ngoại truyện của Chiến tranh giữa các vì sao, với những sự kiện xảy ra giữa phần III và phần IV.

Hàng loạt dự án ngoại truyện mở rộng đã được Disney cùng Lucasfilm lên kế hoạch, mà đầu tiên chính là Rogue One: A Star Wars Story. Câu chuyện phim xảy ra sau phần ba - Return of the Sith (2005), và ngay trước những sự kiện của phần bốn A New Hope (1977).

Lúc này Đế chế Thiên hà với lực lượng quân sự hùng mạnh đã thiết lập nền cai trị độc tài chuyên chế trên khắp vũ trụ. Liên minh Nổi dậy ra đời để cùng nhau hợp sức chống lại chế độ độc tài ấy.

Rogue One tập trung vào nhân vật mới Jyn Erso (Felicity Jones). Cha của Jyn, Galen Erso (Mads Mikkelsen), là một nhà khoa học tài ba từng làm việc cho Đế chế. Để Jyn không bị rơi vào tay kẻ xấu, ôngtình nguyện hợp tác với Đế chế, bỏ rơi con gái từ khi cô bé còn nhỏ.

13 năm sau, Jyn Erso được Liên minh Nổi dậy chiêu mộ để truy tìm tung tích cha cô. Họ tin rằng Galen đã bí mật gửi đến cho họ một thông điệp rằng Đế chế Thiên hà đang sở hữu thứ vũ khí hủy diệt, có khả năng “thổi bay” cả một hành tinh.

Liên minh muốn xác nhận thông tin, đồng thời tìm cách phá hủy nó nếu như tin đồn là có thật. Cùng lúc đó, Jyn Erso và một số chiến sĩ khác lập ra biệt đội Rogue One, thực thi nhiệm vụ đầy gian nan.

Kết nối chặt chẽ với các tập phim chính

Có câu chuyện và hệ thống nhân vật được xây dựng mới hoàn toàn, nhưng Rogue One vẫn bám sát và khá trung thành với tinh thần chung của ba tập phim gốc, cũng như bộ phim mới The Force Awakens.

Đó là việc tập trung xoay quanh cuộc đấu tranh trường kỳ giữa Liên minh Nổi dậy với lực lượng quân đội Đế chế độc tài hùng mạnh. Nội dung phim khá đơn giản và dễ theo dõi, ngay cả với những ai không phải là fan của Chiến tranh giữa các vì sao.

Với những khán giả trung thành của ba tập phim gốc, Rogue One mang đến cho họ nhiều bất ngờ thú vị. Là tác phẩm có tác dụng kết nối và làm rõ thêm các sự kiện của loạt phim chính, đặc biệt là tập phim đầu tiên năm 1977, Rogue One ẩn chứa chi tiết về nội dung, nhân vật… từng xuất hiện trong các bộ phim trước đây.

Rogue One mang đến nhiều chi tiết kết nối chặt chẽ với các bộ phim Star Wars trước đây, mà sự xuất hiện của Darth Vader là minh chứng rõ ràng nhất.

Khán giả nay có thể hiểu rõ về bí mật giúp cho phe Liên minh Nổi dậy có thể tiêu diệt vũ khí Death Star từ đâu mà có, cũng như vì sao thứ siêu vũ khí tối tân của Đế chế lại ẩn chứa một nhược điểm chết người đến thế.

Tính liên kết có được thể hiện qua những chi tiết về bối cảnh, công nghệ và nhân vật của ba phim gốc. Người xem có cơ hội tái ngộ nhiều gương mặt quen thuộc như Thượng nghị sĩ Bail Organa, chỉ huy Liên minh Mon Mothma hay Chỉ huy Death Star sau này là tướng Tarkin của phe Đế chế…

Trên hết, Darth Vader cũng tái xuất ở Rogue One. Dù chỉ xuất hiện thoáng qua với thời lượng chưa đầy 10 phút, “Chúa tể Bóng tối” vẫn đủ khiến người hâm mộ Star Wars cảm thấy phấn khích khi thể hiện sức mạnh vô song, ý chí áp đảo.

Trận đại chiến thiên hà hoành tráng và ác liệt

Kế thừa phong cách cũ nhưng lại sở hữu công nghệ kỹ xảo hình ảnh tân tiến, Rogue One đem lại những trải nghiệm mới cho khán giả. Bộ phim đem đến nhiều đại cảnh hoành tráng, đẹp mắt, ở nhiều địa điểm khác nhau.

Người xem được chu du từ hành tinh Jedha hoang tàn với những hoang mạc cháy nắng, đến Scarif với những bờ biển dài màu xanh ngọc nên thơ, cho tới vùng biển dung nham khổng lồ nóng bỏng tại Mustafa - nơi Darth Vader trú ẩn.

Trận đại chiến ở cuối Rogue One xứng đáng với những gì khán giả đã chờ đợi suốt hơn một tiếng đồng hồ trước đó.

Các cảnh chiến đấu trong phim được thực hiện khá tốt và ác liệt, đặc biệt là trận đại chiến giữa hai phe tại hành tinh Scarif trong khoảng nửa tiếng cuối phim. Đây là một trong những trận chiến ấn tượng nhất của cả loạt phim Star Wars, có thể so sánh với sự kiện Chiến tranh Vô tính ở Attack of the Clones (2002) và Revenge of the Sith (2005).

Trường đoạn là bước tiến của Rogue One so với The Force Awakens, khi bộ phim mới thể hiện thành công tính chất kịch tính, tàn bạo của chiến tranh, qua đó trung thành với bản chất tựa đề Star Wars.

Điểm trừ đáng tiếc về kịch bản và tiết tấu

Tuy có nhiều ưu điểm đáng khen, nhưng Rogue One vẫn mắc phải những hạn chế gây tiếc nuối. Kịch bản phim chứa đựng nhiều chi tiết thừa thãi, khiến mạch phim bị rối. Trong khi đó, một số chi tiết quan trọng giúp phát triển nội dung và tính cách nhân vật lại được thực hiện qua loa, sơ sài.

Điều đó khiến vài nhân vật trong phim xuất hiện mờ nhạt mà không sắm vai trò gì cụ thể, như cựu chiến binh Saw Gerrera của Forest Whitaker. Tuyến truyện của ông hoàn toàn có thể bị lược bỏ mà không gây ảnh hưởng lớn tới tác phẩm.

Tập trung vào câu chuyện của biệt đội Rogue One, nhưng ngoài nữ chính Jyn Erso, hầu hết các nhân vật còn lại đều không được xây dựng cụ thể về tiểu sử, tính cách.

Cách thức họ gặp nhau, xây dựng kết nối và trở thành biệt đội vào sinh ra tử chưa được khai thác đúng mức. Do đó, các thành viên của Rogue One lại đáng nhớ ở tính chất cá nhân hơn là cả một tập thể.

Tổng thể kịch bản của Rogue One quá dài dòng. Và khâu dựng phim của tác phẩm cũng gặp phải vấn đề nghiêm trọng.

Nổi bật nhất trong đội là chú người máy K-2SO (Alan Tudyk lồng tiếng). Dù chỉ là nhân vật “ảo”, K-2SO dường như đã cướp hết ánh hào quang từ các diễn viên người đóng với “tính cách” đơn giản nhưng thẳng thắn, hiệu quả và khá hài hước.

Hai tài tử Hoa ngữ là Chân Tử Đan và Khương Văn lần đầu xuất hiện trong một siêu phẩm bom tấn của Star Wars để lại ấn tượng khá tốt, không bị yếu thế hay nhạt nhòa hơn so với các bạn diễn.

Ngược lại, nhiều nhân vật khác có nhiều đất diễn hơn, nhưng lại chưa được xây dựng, đầu tư đúng mức. Chẳng hạn như Đại úy Cassian Andor (Diego Luna) luôn rất mờ nhạt, sở hữu tính cách không rõ ràng. Cộng thêm phần diễn xuất chưa thuyết phục của Diego Luna, nhân vật không thể trở thành đối trọng của Jyn Erso.

Khâu dựng phim của Rogue One chắc chắn cũng là điều đáng để phàn nàn. Nửa đầu phim, nhiều trường đoạn bị cắt ghép khá lộn xộn, khiến tiết tấu tác phẩm bị vụn vỡ, thiếu sự liền mạch. Mặt khác, tổng thể bộ phim còn khá lê thê, thiếu những điểm nhấn cần thiết, do phải cài cắm nhiều chi tiết kết nối với các phần phim trước.

Rogue One: A Star Wars Story chắc chắn là một bộ phim đáng xem đối với người hâm mộ Chiến tranh giữa các vì sao, với câu chuyện trung thành và sở hữu kết nối chặt chẽ với các tập phim chính. Song, để hướng tới đối tượng khán giả đại chúng, bộ phim có lẽ chưa làm được điều mà Disney và Lucasfilm mong muốn.

Rogue One: A Star Wars Story đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Zing.vn đánh giá: 3/5

Khánh Hưng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bom-tan-rogue-one-a-star-wars-story-ac-liet-nhung-con-de-lai-tiec-nuoi-post706818.html