Bộn bề khó khăn ở ngôi trường 100% là học sinh người dân tộc Mông

Trường PTCS (Phổ thông cơ sở) Dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An) 100% là học sinh người dân tộc Mông nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến nhiệm vụ dạy, học nơi đây còn bộn bề khó khăn.

Những ngôi nhà bán trú thấp lè tè lẩn khuất dưới rặng cây. Ảnh: Trần Tuấn

Lụp xụp nhà bán trú

Từ trung tâm huyện biên giới Kỳ Sơn phải vượt gần 15km qua nhiều đèo, dốc uốn lượn mới đến được điểm chính của Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn. Đây là ngôi trường mà 100% học sinh là người dân tộc Mông với 2 cấp học gồm Tiểu học và THCS có tổng số là 376 em. Vừa tới cổng trường chúng tôi đã nhìn rõ những căn nhà nhỏ, độc lập lợp ngói Fro thấp lè tè nằm ở triền núi ngay sát hông trường. Ở đó, những em học sinh gầy gò, đen đúa lấp ló ngó đầu ra “nhìn trộm” người lạ. Thế nhưng, khi chúng tôi đến gần thì các em lại rụt rè, e thẹn chạy vào nhà núp vào bóng tối.

Những gian nhà nhỏ ấy chính là nhà ở bán trú của học sinh trường này. Bên trong những ngôi nhà bán trú đó là bừa bộn củi, bếp nấu ăn, nồi, niêu, bát đũa, giường nằm, bàn học, đồ dùng cá nhân của các em học sinh. Mới chỉ cái nắng xuân mà khi bước vào bên trong đã cảm nhận được sự oi bức, ngột ngạt vì nóng xen lẫn mùi thức ăn các em dành dụm. Em Hạ Y Nênh, học sinh lớp 6B ở chung với mấy bạn trong gian nhà bán trú đó, vẻ nhút nhát nói “Nhà thấp quá nóng lắm. Cháu chỉ trông đến cuối tuần để bố mẹ lên đón về nhà thôi”. Theo quan sát, có đến 5 ngôi nhà bán trú thấp lè tè, lợp bằng ngói Fro giống hệt nhau nằm độc lập như thế. Cạnh đó, chỉ có một ngôi nhà cao lớn hơn, lợp tôn là nhà lắp ghép bằng trụ sắt, xung quanh vây bằng tôn. Bên trong là những chiếc giường sắt 2 tầng khá thoáng. Một học sinh nam, lớp 9, nói “Mấy năm trước cháu phải ở nhà nhỏ, năm nay được vô ở nhà mới này thích lắm, mát mẻ hẳn. Chỉ tội là nhiều bạn ở chung nên hơi chật, ồn ào”.

Thầy Hắp Văn Long - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, những căn nhà bán trú thấp, nhỏ cạnh trường là do phụ huynh có con em ở bán trú chung nhau dựng lên để con mình ở lại tiện việc học. Cột, ván gỗ làm nhà do phụ huynh tự kiếm được trong rừng. Phấn khởi là dịp tháng 7.2016, có nhóm thiện nguyện ở Hà Nội kết hợp với nhóm thiện nguyện huyện Kỳ Sơn và một ngôi chùa ở TP. Vinh (Nghệ An) đã hỗ trợ hơn 178 triệu đồng làm được 3 phòng nhà bán trú lắp ghép bằng tôn cho học sinh. Ở căn nhà này, trường đang bố trí 86 em. “Trường có 101 em ở bán trú, những em ở xa nhất cách trường khoảng 20km, nếu đi bộ phải mất 5 giờ đồng hồ, đi xe máy cũng mất 2 giờ. Nhưng hiện trường chỉ bố trí được 86 em ở trong 3 phòng của ngôi nhà lắp ghép mới được tài trợ. Thực tế, đang rất cần có thêm 3 phòng như nhà lắp ghép thế nữa mới đủ phòng bán trú cho các em. Bởi, 86 em bố trí vào 3 phòng là quá chật, đó là chưa kể, dự kiến năm sau số học sinh bán trú còn tăng” - thầy Long trải lòng.

Học sinh Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn ở chen chúc trong ngôi nhà bán trú lụp xụp do phụ huynh dựng lên. Ảnh: T.T

Thiếu phòng học

Tại dãy nhà nội trú của giáo viên Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn xung quanh vây bằng gỗ đã cũ kĩ, chúng tôi thấy có một phòng thư viện, một phòng học của lớp 2, một văn phòng trường. Liền kề đó là phòng nội trú của giáo viên, bếp ăn của giáo viên. Thầy Long - Hiệu trưởng nhà trường giọng trăn trở: “Do thiếu nên tôi phải dồn, ghép 11 giáo viên ở nội trú lại để có phòng dư mà bố trí một phòng học lớp 2, văn phòng trường, phòng thư viện như anh đã thấy”.

Cũng theo thầy Long, ở 3 cơ sở phụ của trường cơ sở vật chất cũng thiếu thốn, tạm bợ, nhất là cơ sở ở Đống Dưới chỉ 2 phòng học tạm bợ ghép ván, nhà nội trú cho 5 giáo viên cũng tạm bợ. “Hiện nay, trước mắt nhà trường cần thiết nhất là xây dựng thêm 3 phòng học, 3 phòng nhà bán trú cho học sinh. Ngoài ra, bếp ăn cho học sinh, phòng chức năng, nhà nội trú, thư viện...cũng cần nhưng chưa đến mức cấp thiết. Tuy nhiên, nếu có thì càng tốt, để thầy cô, học sinh đỡ vất vả hơn” - thầy Long tha thiết.

Ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn - cho biết, toàn xã có 300 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu mà 100% là người dân tộc Mông. Đời sống của người dân ở đây còn nghèo khó, khi có đến 46% hộ nghèo, 23% hộ cận nghèo. Người dân nơi đây hiện chủ yếu sống nhờ nương rẫy, hàng hóa tự cung tự cấp. “Chúng tôi biết và cũng trăn trở lắm khi Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú của xã đang khó khăn, thiếu thốn phòng học, nhà bán trú cho học sinh, nội trú cho giáo viên...nhưng hiện nhà nước chưa có dự án đầu tư. Do vậy, rất mong được các đơn vị hảo tâm, từ thiện giúp đỡ để thầy trò nơi đây bớt vất vả” - ông Dềnh bày tỏ.

Trần Tuấn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/doi-song-xa-hoi/bon-be-kho-khan-o-ngoi-truong-100-la-hoc-sinh-nguoi-dan-toc-mong-656320.bld