'Bốn ngọn gió' - câu chuyện về hy vọng giữa thập niên 30 khủng hoảng ở Mỹ

'Bốn ngọn gió' (Lộc Diệu Linh dịch, Nxb Văn học, 2023) là bức chân dung khắc họa chân thực về một giai đoạn đầy biến động của nước Mỹ, là minh chứng cho ý chí kiên cường và sức mạnh tinh thần của con người. Dù ở thời đại nào, lý tưởng, lòng dũng cảm và sự sẵn sàng cống hiến sẽ luôn là thứ quyền năng giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh.

Nhân vật chính - Elsa, xuất thân trong một gia đình khá giả nhưng không nhận được tình yêu thương. Bố mẹ cô, người khăng khăng sức khỏe yếu kém của con mình, không cho cô đi đâu ngoài căn phòng riêng. 15 tuổi, Elsa quanh quẩn làm bạn với những cuốn sách và khao khát cháy bỏng được chạm tới thế giới bên ngoài.

Trong một lần bất tuân, Elsa cắt phăng mái tóc dài, bỏ trốn ra ngoài. Cuộc mây mưa nhanh chóng với Raffaello Martinelli khiến cô có thai ngoài ý muốn. Bố mẹ ruồng bỏ. Elsa đành ở lại với gia đình Martinelli, một gia đình Ý nhập cư.

Tại đây, cô trở thành người nhà Martinelli với tình yêu thương của bố mẹ chồng và lao động như một người nông dân đích thực. Ngược lại, chồng cô Raffaello vẫn nung nấu ý nghĩ mau chóng thoát khỏi trang trại gia đình để đi đến thành phố lớn. Mọi thứ bình lặng trôi, hai con Loreda và Ant lần lượt ra đời. Cho đến khi cơn bão xuất hiện.

Đại khủng hoảng, Cơn bão đen hay Thập niên 30 dơ bẩn (Dirty Thirties) đã đánh bật gia đình Martinelli. Raffaello rời bỏ gia đình. Elsa cùng bố mẹ chồng và hai con chống chọi những cơn bão bụi kinh khủng kéo dài năm này sang năm khác. Nguồn sống cạn kiệt như những cây bụi dần chết. Sau biết bao lần từ chối, cuối cùng, tận cùng của sự tuyệt vọng, Elsa đành phải đưa ra lựa chọn hòng có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng ngay cả Chúa cũng không thể cho cô câu trả lời: Điều gì đang đợi ba mẹ con cô phía trước?

Bìa sách Bốn ngọn gió.

Tái hiện thực trạng khủng khiếp của thập niên 30 dơ bẩn

“Đôi khi cô nghĩ, ở đây, đứng trên mảnh đất cô chăm sóc, ở đây con cô sẽ trưởng thành, sẽ chạy, chơi và học những câu chuyện được kể bởi đất, nho và lúa mỳ”…

Bốn ngọn gió đưa bạn đọc đến khung cảnh trần trụi nhất của thập niên 30 dơ bẩn. Hạn hán làm khô héo và chết dần những cánh đồng lúa mỳ. Ánh mặt trời nóng đến mức chảy cả cao su. Không có bóng người, ô tô hay xe ngựa nào trên đường trong cái nóng đó. Gia súc như bò và ngựa lang thang tự do, rống lên ai oán tìm thức ăn và nước. Không thể mổ thịt hay chăm sóc cho vật nuôi, những người nông dân đã thả rông để chúng tự lo liệu cho chính mình.

Cùng với đó, cơn bão bụi dồn dập kéo đến. Viêm phổi ở cả người lớn và trẻ em. Gió trở thành con quái thú gào thét với tốc độ bốn mươi dặm một giờ, ngày qua ngày không ngơi nghỉ.

Bụi liên tục rơi xuống trần nhà. Cả nhà Martinelli hít vào, nhổ ra và ho sù sụ, họ bôi vaseline lên mũi và che mặt bằng khăn rằn. Ant, cậu con trai của Elsa phải đeo mặt nạ chống độc nhưng rồi cũng không thoát khỏi căn bệnh viêm phổi. Sức khỏe của Ant như một giọt nước tràn ly cho sự bám trụ cuối cùng của Elsa ở mảnh đất này.

Dù không muốn, cô đành đưa hai con hòa vào dòng người đi về vùng đất của sữa và mật...

Sức mạnh của người phụ nữ

"Một năm trước, Elsa có lẽ đã nghĩ bất kỳ phụ nữ nào nghĩ đến việc đi bộ từ Oklahoma hay Texas hay Alabama đến California là điên rồ, đặc biệt là đẩy theo xe nôi. Giờ cô đã biết nhiều hơn. Khi con bạn đang chết, bạn sẽ làm bất kỳ việc gì để cứu chúng, ngay cả đi bộ vượt núi và băng qua sa mạc”…

Không ai nghĩ Elsa có thể rời xa vòng tay bố mẹ và sống sót. Không ai nghĩ Elsa có thể đưa 2 con đến vùng đất của sữa và mật giữa muôn trùng hiểm nguy: thiếu nhiên liệu, thiếu thức ăn, trộm cướp rình rập và nhất là không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước.

Cô vừa làm bố vừa làm mẹ cho hai con. Đến khi phải dừng lại ở khu cắm trại tạm bợ bên bờ mương, chấp nhận sự thất vọng của các con mình, Elsa vẫn không cho mình chùn bước. Lao động, lao động và lao động,… và với các con cô là học hành: “Mẹ biết con phải hái bông, nhưng Ant sẽ đi học. Chấm hết. Và khi bông đã hết, con sẽ quay lại trường”…

Đói khổ cùng cực, nhưng Elsa không mất đi tâm thiện và tính nữ của mình. Cô dạy con sống tử tế, ăn nói đàng hoàng và chính cô cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi trong buổi họp mặt phụ huynh - những người “thượng đẳng” cho rằng cô vào nhầm chỗ. “Loại người như cô” “chỉ mang bệnh dịch và phiền phức cho trường chúng tôi”.

Nhưng những gì cô làm đã chứng tỏ cô mạnh mẽ hơn cả bản thân mình nghĩ. Ngay cả khi có cơ hội, “cô không muốn lấy đồ ăn miễn phí ra khỏi miệng của những người không có lựa chọn nào khác, trong khi cô vẫn còn một chút tiền”.

Và điều tồn tại duy nhất…

Là gia đình. Là tình thương người ta dành cho nhau ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Bốn ngọn gió là bức chân dung khắc họa chân thực về một giai đoạn đầy biến động của nước Mỹ qua sự sống sót của một người phụ nữ trong Cơn bão bụi khắc nghiệt và ám ảnh, là minh chứng cho ý chí kiên cường và sức mạnh tinh thần của con người. Dù ở thời đại nào, lý tưởng, lòng dũng cảm và sự sẵn sàng cống hiến sẽ luôn là thứ quyền năng giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh.

Là nhà văn có “lối kể chuyện bậc thầy”, Kristin Hannah, nhắc nhở chúng ta rằng trái tim con người và Trái đất cũng cứng rắn, nhưng cũng mong manh, như sự đổi chiều của gió. Tâm hồn của người mẹ, cũng chịu hạn hán như đất đai ở quê hương cô, cố gắng băng qua sa mạc và đánh bại nạn đói để cứu những đứa con của mình bằng một sức mạnh mãnh liệt được gọi là tình mẫu tử.

Nói như Matt Haig (tác giả Thư viện nửa đêm), Bốn ngọn gió là “một câu chuyện mạnh mẽ, cảm động, khiến trái tim bạn cùng lúc tan nát và bay bổng, một tiếng vang vọng từ quá khứ tới hiện tại”. Kristin Hannah, một người kể chuyện kinh điển, và với Bốn ngọn gió, cô đã đạt tới đỉnh cao của mình.

Kristin Hannah là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết bán chạy toàn cầu. Cô sinh năm 1960 tại California, Mỹ. Trước khi theo đuổi sự nghiệp viết lách, Kristin tốt nghiệp chuyên ngành Luật của Đại học Puget Sound và làm luật sư ở Seattle.

Các tác phẩm ăn khách của Kristin Hannah có thể kể tên như Winter Garden, Night Road, Firely Lane, đặc biệt tiểu thuyết The Nightingale (được xuất bản ra tiếng Việt với tựa đề Sơn ca vẫn hót) đã bán được 4,5 triệu bản trên toàn thế giới và được dịch ra 45 thứ tiếng.

Thạch Thảo

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bon-ngon-gio-cau-chuyen-ve-hy-vong-giua-thap-nien-30-khung-hoang-o-my-38550.html