Bổn phận

Năm 2016 cả thế giới hân hoan khi nghe tin Mẹ Teresa, người Ấn Độ, nhà Điều dưỡng vĩ đại của nhân loại đã được Tòa Thánh Vatican tôn vinh Phong Thánh. Bà đã từng là Chủ tịch danh dự của nhiều Hội Điều dưỡng trên toàn thế giới vì đã nêu cao bổn phận làm một chiến sĩ thầm lặng, hy sinh toàn bộ cuộc đời đến phút cuối cùng để hết lòng phục vụ người nghèo, người bệnh, người thương binh trong các cuộc chiến tranh. Tuy bà chỉ là một Điều dưỡng viên nhưng ảnh hưởng to lớn về việc làm tròn bổn phận của một con Người viết hoa đã xứng đáng để cả nhân loại đời đời tôn vinh bà: Đức Thánh Teresa.

1. Thượng đế sau khi sáng tạo ra loài người để xây dựng và phát triển thế giới, thấy cuộc sống ngày càng thịnh vượng, ngài rất hài lòng.

Nhưng chẳng được bao lâu, Thượng đế lại nhận được những báo cáo phản hồi không hay về con người đang sống trên quả đất, thí dụ:

- Có người con bất hiếu, bỏ làng quê ra thành phố làm ăn phát tài, vợ đẹp con khôn, nhà lầu xe hơi, bỏ mặc cha mẹ già ốm đau, bệnh tật, nghèo khổ nơi quê nhà mà không một chút động lòng thương xót.

- Có người được nhà nước cho ăn học đỗ đạt cao, được bổ nhiệm làm quan chức, nhưng suốt ngày chỉ lo tham nhũng, vơ vét tiền bạc của dân, đến nỗi phải tù tội, xấu hổ cho cả dòng họ.

- Có những cặp vợ chồng lúc nghèo khổ thì hạnh phúc, đầm ấm, yêu thương nhau. Đến khi có tiền thì sinh ra các chứng bệnh như “ông ăn chả, bà ăn nem”, dẫn đến đâm chém nhau hoặc ly dị rất nhanh sau ngày cưới.

Thượng đế rất bối rối khi nghe những báo cáo âm tính này. Vì trên Thiên đình toàn là những người tốt, việc tốt, chứ đâu có nhiều điều xấu xa như dưới hạ giới, nên chưa có kinh nghiệm nào thật tốt để răn đe, giáo dục con người. Ngài bèn dân chủ bàn bạc với các vị Hàn lâm Viện sĩ vốn có hàng ngàn năm kinh nghiệm, nên đã nhanh chóng thống nhất được một số nhận định sau đây:

+ Phải ra một Bộ luật hay Bản quy định về bổn phận hoặc nghĩa vụ của con người đối với gia đình, đối với xã hội. Lúc đầu ngài định đặt tên là Luật về “Bổn phận làm người”. Song lại có ý kiến cho rằng: Bổn phận thuộc phạm trù đạo lý, đạo đức, không thể có các điều phạt cụ thể như Luật giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không ... được. Vì thế nên mới khó. Thí dụ như: một cầu thủ bóng đá danh tiếng luôn cho mình cái quyền có hàng triệu người hâm mộ thưởng thức, một ca sĩ nổi tiếng tự cho mình cái quyền được có hàng nghìn hàng vạn fan hâm mộ, nên coi thường đồng nghiệp. Một người đàn bà đẹp, có bộ mặt thiên thần, có cơ thể vệ nữ, lẽ nào cam tâm chỉ để cho một người đàn ông thưởng thức! Ấy thế mới khó.

+ Về nội dung giáo dục cũng rất phức tạp. Nếu nêu ngắn gọn quá, thành một quyển sách hay một tập Kỷ yếu thì liệu có ai đọc không chứ chưa nói gì đến thấm nhuần, quán triệt. Vì thế Thượng đế đành nhờ đến các Tôn giáo đưa nội dung “Bổn phận làm người” vào các bài giảng ở chùa chiền, ở nhà thờ và vào các quyển kinh như: bên Thiên chúa giáo có bộ Thánh kinh đồ sộ “Holy Bible”, bên Phật giáo có các bộ kinh như “Kinh nhật tụng” để đọc hàng ngày, “Kinh Pháp hoa”, “Kinh Kim cương”..., bên Hồi giáo có bộ kinh vĩ đại “Coran”...

Thế rồi các nhà Giáo dục học, Đạo đức học, Tâm lý học dựa vào ý muốn của Thượng đế, dựa vào các nội dung rất tản mạn và phong phú trong các cuốn Kinh của các Tôn giáo mà viết ra thành những điều cụ thể, dễ hiểu có thể áp dụng hàng ngày.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa Bổn phận như sau: Bổn phận (tiếng Anh là Duty, tiếng Pháp là Devoir) là “Những việc mà Pháp luật hay Đạo đức bắt buộc con người sống trong xã hội phải làm đối với xã hội hoặc đối với người khác”.

Bổn phận hiểu rộng ra, còn được gọi là: Nghĩa vụ, Nhiệm vụ, Trách nhiệm, Phần việc, Công việc, Phận sự mà con người phải gánh vác, lo liệu theo đạo lý thông thường.

2. “Bổn phận” trong văn chương chữ nghĩa:

Bổn phận, nghĩa vụ bao giờ cũng bao gồm những công việc khó nhọc, vất vả, thậm chí có khi phải hy sinh cả tính mạng, hy sinh cả nhà cửa, ruộng vườn. Vì thế , món nợ lớn nhất mà con người phải trả lại là sự đền ơn đối với Tổ quốc, với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để cho ta được vui sống trong cảnh thanh bình. Có những bài hát rất cảm động, tả cảnh người mẹ tiễn con đi tòng quân cứu nước:

Hy sinh thân con đi đền nợ nước,
Nước mắt ướt đẫm từ biệt mẹ hiền.

Sự hy sinh ấy thật to lớn. Vì thế công tác đền ơn đáp nghĩa trong chính sách đối với người có công với nước phải là công việc của tất cả mọi người.

Nói về bổn phận làm người, nghĩa vụ làm người, tưởng không có triết lý nào sâu sắc hơn, đầy đủ hơn ý kiến sau đây của nhà Triết học Nhật Bản – Nhật hoàng Mutsu-Hito (1852 – 1912), ông đã viết: “Bổn phận làm người nhẹ như lông hồng và nặng hơn Thái sơn”. Câu này có ý nghĩa rất sâu sắc. Đối với những người lương thiện, hiếu thảo, tận tụy, hy sinh thì việc tự nguyện thi hành bổn phận, thi hành nghĩa vụ rất nhẹ nhàng, rất thanh thản. Trái lại, đối với những kẻ vô trách nhiệm, lười biếng, ỷ lại, vô cảm thì việc gì với họ cũng nặng nề, khổ sở như bị tra tấn vậy.

Cũng cùng ý kiến mang tính triết lý này, nhà Triết học vĩ đại thời cổ đại Cicéron (khoảng năm 45 trước công nguyên) đã khích lệ con người: “Phần thưởng cho việc hoàn thành bổn phận có khi lại là một bổn phận khác”. Cao quý thay ý kiến của các tiền nhân về bổn phận làm người. Chả thế mà Gœthe vĩ đại (1749 – 1832) trong cuốn “Danh ngôn và Tư tưởng” (Maximen und reflexionen) đã viết: “Bổn phận làm người là phải biết yêu mến những nghĩa vụ do chính mình ra lệnh cho mình thực hiện”. Còn Đô đốc lừng danh người Pháp – Touchard (1810 – 1879) đã tuyên bố nghiêm khắc: “Con người ta không bao giờ có thể kết thúc bổn phận của mình”.

Như vậy, mọi người khi xác định đã có cái hạnh phúc được hưởng mọi lạc thú ở đời thì cũng phải có trách nhiệm làm tròn các bổn phận đối với gia đình và xã hội. Một em bé may mắn được cha mẹ dạy bảo từ khi còn nhỏ sự yêu thương, sự chăm sóc, sự chuyên cần để học tập, để lao động thì lớn lên em sẽ mang thói quen tốt ấy, sẽ đỡ ngần ngại, đỡ né tránh những vất vả, khó nhọc của bổn phận. Vì thế em sẽ nên người. Ngạn ngữ cổ phương Đông đã dạy: “Con đường của nghĩa vụ, của bổn phận rất gần ngay cạnh ta, chớ mất công tìm kiếm đâu xa”. Và khi ta yên tâm, tĩnh trí làm tròn bổn phận làm người, ta cần bỏ ngoài tai những lời xui dại xui khôn của kẻ xấu, như lời truyền dạy của Thánh Colomban (Thế kỷ thứ 7 sau công nguyên): “Nếu bạn muốn thực hiện tốt mọi bổn phận của mình, xin hãy dẹp bỏ những lời nặng nhẹ của kẻ xấu”.

3. Những tấm gương chói sáng về Bổn phận làm người:

Năm 2016 cả thế giới hân hoan khi nghe tin Mẹ Teresa, người Ấn Độ, nhà Điều dưỡng vĩ đại của nhân loại đã được Tòa Thánh Vatican tôn vinh Phong Thánh. Bà đã từng là Chủ tịch danh dự của nhiều Hội Điều dưỡng trên toàn thế giới vì đã nêu cao bổn phận làm một chiến sĩ thầm lặng, hy sinh toàn bộ cuộc đời đến phút cuối cùng để hết lòng phục vụ người nghèo, người bệnh, người thương binh trong các cuộc chiến tranh. Tuy bà chỉ là một Điều dưỡng viên nhưng ảnh hưởng to lớn về việc làm tròn bổn phận của một con Người viết hoa đã xứng đáng để cả nhân loại đời đời tôn vinh bà: Đức Thánh Teresa. Câu nói nổi tiếng mà khi còn sinh thời bà đã truyền dạy cho tất cả chúng ta là: “Chúng ta, những con người bình thường, không có thể làm được những việc to lớn, nhưng chúng ta có thể làm tròn bổn phận nhỏ, trách nhiệm nhỏ với một tình yêu thương to lớn”.

Học tập tấm gương mẹ Teresa, đã có bao nhiêu các mẹ, các chị điều dưỡng Việt Nam ngày đêm tận tụy với công việc vất vả, khó nhọc bên giường bệnh. Khi thăm trại Hủi lớn ở miền Trung (nay gọi là Bệnh viện Phong Quỳnh Lập) ai ai cũng không cầm được nước mắt khi nhìn thấy nhiều bà sơ, nhiều bà điều dưỡng vì tận tụy đêm ngày phục vụ, gần gụi, chăm sóc bệnh nhân phong nên chính họ cũng bị phong, chịu cảnh cô đơn, tàn tật suốt đời. Tính ra trên cả nước, có bao nhiêu chiến sĩ áo trắng làm nghề hộ lý, điều dưỡng ngày đêm khó nhọc để thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ: “Lương Y phải như Từ mẫu”.

Trần Hữu Thăng

Từ khóa

bổn phận

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/bon-phan/142071