Bóng…bóng đá nữ!

Toquoc)-Trong bảng xếp hạng của FIFA mới được công bố, bóng đá nữ Việt Nam đứng thứ 32 thế giới, đứng thứ 6 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đó là vị trí đáng tự hào. Thế nhưng, nếu đặt câu hỏi rằng Giải bóng đá nữ quốc gia - một giải đấu lớn thuộc hệ thống thi đấu của VFF tổ chức khi nào, đang đá ở đâu, bao giờ kết thúc thì nhiều người giật mình.

Đứng vị trí thứ 6 châu Á - một vị trí mà các đội tuyển nam có mơ giữa ban ngày cũng không được. Thậm chí ngôi số 1 Đông Nam Á thì đội tuyển nam cũng chưa bao giờ có trong bảng xếp hạng của FIFA cho dù thầy trò HLV Calisto đang là nhà đương kim vô địch AFF Cup. Oai là thế nhưng sự đầu tư quan tâm của người hâm mộ, của cả VFF vẫn là điều gì đó rất xa vời. Còn nhớ sau SEA Games 25 - giải đấu thứ 4 mà các cầu thủ nữ Việt Nam đoạt huy chương vàng thì nhiều cầu thủ nữ mới “ngã ngửa” ra vì khoản tiền thưởng quá lớn: Tổng cộng trên 9 tỷ đồng - hầu hết là các doanh nghiệp tài trợ. Khoản tiền ấy sau khi trừ thuế, mỗi cầu thủ đá chính cũng nhận được khoảng 230 triệu, tưởng là nhiều nhưng còn lâu mới gọi là đủ cho việc mua một căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống. Như cầu thủ Kim Chi, phải mất gần 3 năm mới đóng đủ tiền nhà - một căn hộ được bán với giá cực ưu đãi chứ nếu trông vào thu nhập hàng tháng chỉ khoảng hơn 2 triệu thì không biết đến bao giờ các cầu thủ nói rằng nếu không đạt thành tích mà chỉ trông vào lương thì phải đá bóng đến năm 80 tuổi chưa chắc đã mua được nhà mà ở. Cũng là mơ có thành tích để nhận tiền thưởng nhưng thái độ thi đấu của những cầu thủ nữ khác hẳn với những đồng nghiệp nam. SEA Games 25 đã chứng minh rất rõ rệt điều này: Trước trận chung kết không cầu thủ nữ nào biết mình sẽ nhận được bao nhiêu, còn các cầu thủ nam, có lẽ đã quá nghĩ về ánh hào quang và khoản tiền kếch xù mà tự đánh mất mình trong trận chung kết. Tất nhiên, không thể đem nữ ra so với các cầu thủ nam về thu nhập, về mức độ ảnh hưởng. Song sự thua kém đến mức ngạc nhiên cũng khiến chính những người trong cuộc phải mủi lòng. Đội tuyển hay, phải nhờ giải VĐQG chất lượng, đó là một quy luật. Song, nhìn vào giải VĐQG nữ năm nay không khỏi ngao ngán. Giải đấu được chia làm hai vòng, vòng một thi đấu đúng ngày 8/3, ngày Quốc tế phụ nữ, rất có ý nghĩa nhưng địa điểm lại đặt tại... Hà Nam - một nơi dường như chẳng có môn thể thao nào phát triển ngoài... bóng đá nữ. Quả thật, những trận đầu tiên, mảnh đất Hà Nam như sôi lên vì lần đầu có một giải thể thao được tổ chức. Lượng khán giả đến sân thuộc loại kỷ lục, hơn 14.000 khán giả sau 3 loạt trận đầu tiên. Đây là kỷ lục về khán giả ở một giải bóng đá nữ, thế nhưng ai cũng hiểu rằng, số lượng ấy có được là nhờ hai yếu tố: Một là không bán vé, hai là khán giả Hà Nam đến sân phần nhiều là do tò mò. Điều quan trọng là, tuy có số lượng khán giả rất đáng khích lệ như vậy nhưng sự quan tâm của lãnh đạo VFF thì... vẫn thế. Một giải đấu trong hệ thống giải quốc gia nhưng công tác tuyên truyền quá kém, sau mỗi lượt đấu, trang thông tin của VFF chỉ đưa vài kết quả sơ sài, báo chí thì đưa vài cái tin khích lệ còn truyền hình thì quả thật thưa vắng. Với bối cảnh ấy hỏi làm sao mà các nhà tài trợ hứng khởi chi tiền. Nên nhớ, chỉ tới sát ngày khai mạc giải, giải VĐQG nữ mới tìm được nhà tài trợ, là Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà với thương hiệu Cánh buồm đỏ. Chẳng biết “cánh buồm” ấy có đưa được bóng đá nữ Việt Nam tiến ra khơi xa hay không nhưng ở một giải đấu vẫn chỉ loanh quanh chừng ấy đội quen mặt mà chất lượng thì cao nhất ở... tinh thần, xem ra chuyện tìm những nhân tố mới là hơi khó. Thế nên, cũng không loại trừ vì những nguyên nhân ấy mà vị thuyền trưởng Trần Vân Phát đã từ chối trở lại Việt Nam theo một bản hợp đồng mới dự kiến sẽ có giá trị cao hơn bản hợp đồng cũ, nhưng cũng là “muỗi” so với bản hợp đồng của ông Lê Thụy Hải, nói gì đến việc so với Calisto! Dường như, bóng đá nữ Việt Nam vẫn chưa vượt qua được cái bóng của chính mình. LL

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/The-Thao-Su-Kien/Bongbong-Da-Nu.html