Bóng chuyền VN nhìn từ SEA Games 26: Cần sự đột biến

(TT&VH)- Với tấm HCB của ĐT nữ VN, không thể nói bóng chuyền đã có một kỳ SEA Games thất bại nhưng cùng với việc đội nam trắng tay lần thứ hai liên tiếp, không thể coi đó là thành công.

Nhìn lại trận tranh hạng 3 môn bóng chuyền nam SEA Games 26, ĐT nam VN gặp lại Myanmar, đối thủ mà chúng ta đã quá quen thuộc và cũng từng vượt qua ở giai đoạn đấu vòng tròn. Thế nhưng, diễn biến của trận đấu mang ý nghĩa xác định chủ nhân của tấm HCĐ lại hoàn toàn khác hẳn, Myanmar càng chơi càng hưng phấn và rõ ràng đã bắt bài, khắc chế được lối chơi của ĐT nam VN. Trong khi đó, chúng ta lại thường xuyên mắc lỗi khi bắt bước một. Đặc biệt, lối chơi tấn công đơn điệu, phụ thuộc nhiều vào nhân tố chủ lực Ngô Văn Kiều khiến ĐT nam VN dễ bị đối phương bắt bài.

Chính vì thế, cho dù đã giành chiến thắng ở sec đấu đầu tiên nhưng chung cuộc, ĐT bóng chuyền nam VN vẫn phải nhận thất bại 1-3, ngậm ngùi nhìn Myanmar nhận HCĐ ở kỳ SEA Games lần thứ 2 liên tiếp.

Bóng chuyền nữ VN (phải) còn rất lâu nữa mới có thể nghĩ tới chuyện san bằng khoảng cách về trình độ với Thái Lan

Khá hơn các đồng nghiệp nam, ĐT bóng chuyền nữ VN đúng như dự kiến đã giành được quyền vào chơi trận tranh HCV. Nhưng trước đối thủ nhiều duyên nợ là “ngọn núi lớn” Thái Lan thì các tay đập VN không tài nào tạo nên bất ngờ. Người thì bảo tâm lý, người cho là việc phần lớn các VĐV bị ngộ độc thực phẩm đã ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe các tuyển thủ nhưng công bằng mà nói, giữa ĐT bóng chuyền nữ VN và kình địch Thái Lan vẫn có sự khác biệt quá lớn, đó chính là đẳng cấp.

Đẳng cấp không thể giúp ĐT bóng chuyền nữ VN vươn tới được tấm HCV dù chúng ta đã thực sự cố gắng chứ không phải nguyên nhân tâm lý hay một lý do phi chuyên môn nào khác. Thế cho nên, cho dù có đáng tiếc đi chăng nữa thì những người hâm mộ bóng chuyền VN cũng phải biết chấp nhận kết quả thực tế là ngay ở thời điểm này và có thể rất lâu nữa bóng chuyền VN sẽ không thể vươn lên ngôi đầu tại khu vực Đông Nam Á, cho dù ở cấp độ ĐT nam hay nữ.

Điều đáng nói là khoảng cách, chênh lệch trình độ giữa bóng chuyền VN với các đối thủ mạnh trong khu vực như Thái Lan, Indonesia (nam) hay Thái Lan (nữ) là rất lớn. Để có thể san lấp được khoảng cách này cần phải có thời gian và cũng có thể không bao giờ san lấp được. Trong khi đó, nhìn vào đội hình của ĐT bóng chuyền nữ và nam VN ở những giải đấu gần đây có thể thấy, chúng ta có rất ít các nhân tố mới.

Những cái tên như Phạm Thái Hưng ở ĐT nam vẫn còn quá ít và trên thực tế cũng chưa đủ tầm ảnh hưởng lớn lên lối chơi toàn đội. Chính vì thế, trọng trách vẫn dồn lên vai các nhân tố chủ lực Hữu Hà, Văn Kiều (nam), Ngọc Hoa, Kim Huệ, Phạm Thị Yến (nữ)… là rất lớn. Và không khó để đối phương bắt bài, khắc chế lối chơi của ĐT bóng chuyền VN, nhất là khi các HLV thiếu phương án tạo nên sự đột biến.

Với những người làm công tác chuyên môn như BHL, các cán bộ chuyên môn của LĐ bóng chuyền VN thì hạn chế kể trên của bóng chuyền VN đã được nhận ra từ lâu. Tuy nhiên, để khắc phục thì đây lại không phải là câu chuyện trong ngày một, ngày hai. Giờ thì không còn cách nào khác là chỉ biết trông chờ và hy vọng.

Lâm Chi

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/158n20111127064218721t0/bong-chuyen-vn-nhin-tu-sea-games-26-can-su-dot-bien.htm