Bóng đá Nam Định quay lại với V.League sau 7 năm: Sự sống nảy sinh từ 'đất chết'

Hơn 10 năm chìm trong khủng hoảng, 7 năm sau ngày xuống hạng rồi trôi dạt xuống tận hạng Nhì và có thời điểm tưởng như đã bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá, Nam Định đã trở lại với V.League. Hành trình hồi sinh của bóng đá Nam Định mới chỉ bắt đầu…

HLV Nguyễn Văn Sỹ sẽ “cầm cờ” trong công cuộc gây dựng lại của bóng đá Nam Định. Ảnh: H.A

Chuyện của “ông “Dám” đốc kỹ thuật” Văn Sỹ

“Mười mấy năm rồi, không khí này mới lại xuất hiện. Đó là điều đáng mừng, là mục đích và động lực cho chúng tôi trên con đường làm lại mà tấm vé lên chơi V.League chỉ là bắt đầu…” - vỡ òa cùng Nam Định khi lên hạng sau trận thắng Viettel 1-0, Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ tự hào. Với một người được coi là biểu tượng của bóng đá Nam Định, việc làm sống lại bầu không khí của Thiên Trường và trước đó là Chùa Cuối của ngày xưa, đó mới là thành công lớn nhất.

“Ngày tôi còn thi đấu, đến sát giờ ra sân vẫn quay quắt với vài cái vé, khổ lắm. Khổ nhưng sướng, khi cả tuần trước trận đấu anh em bạn bè quý trọng tấm vé mình tặng. Thế nên khi đưa tấm vé mà người ta hỏi lại đá với ai, rồi có vé tặng chẳng ai muốn nhận, đau đớn lắm. Cái cay đắng nhất của người chơi bóng, làm bóng đá là chẳng ai quan tâm cả, như là vô giá trị…” - Văn Sỹ bộc bạch và đính chính về chức danh Giám đốc kỹ thuật của mình. 2 năm về Nam Định không hề có chức danh đó với cựu tuyển thủ quốc gia này mà mọi người chỉ “gọi cho có”. Và Sỹ tự “định nghĩa” vị trí của mình ở đội bóng quê hương là “Dám… đốc kỹ thuật”.

Rất ít người biết, khi chia tay XSKT Cần Thơ và về lại Nam Định năm 2016, Văn Sỹ không hề ký hợp đồng. Làm việc kiểu tay bo, dù trực tiếp cầm đội nhưng không đứng chức danh gì, đến trận đấu thì lên khán đài và chỉ đạo từ xa bằng điện thoại. Lương, chế độ của Văn Sỹ, Nam Định không phải trả mà do hai doanh nghiệp giấu tên, đứng sau đội bóng chịu trách nhiệm.

Giữa rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp tốt, Văn Sỹ chọn quay về. Quyết định đó bắt đầu từ chữ “dám”, khi muốn cùng những người còn sót lại của bóng đá thành Nam làm lại. Lay lắt rồi xuống hạng và trôi tự do, bóng đá Nam Định xuống đáy và được coi như “vùng đất chết”. Tiền bạc không có, cơ chế không, con người đi hết, đào tạo trẻ cũng thoi thóp, sau lứa 1990 coi như hết. Để làm lại thì phải bắt đầu từ chính yếu tố con người và Văn Sỹ được chọn để cùng gây dựng, từ việc “dám” và đau đáu với truyền thống ở mảnh đất bóng đá này.

Đến sự thay đổi của tư duy

Với chiến công vô địch giải hạng Nhất và lên V.League, Nam Định được thưởng gần 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là con số có thể công khai. Ở Thiên Trường và trước, sau trận đấu, người ít thì 300-500USD, vài chục triệu, còn nhiều thì treo thưởng tiền trăm triệu. Đa phần đều không lộ danh tính, khán giả và các Mạnh Thường Quân giấu mặt ủng hộ đội với tinh thần “cùng góp sức”.

Bản đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá Nam Định được xây dựng từ 3 năm trước đã được trình lên, chỉ cần chờ thời điểm thích hợp là duyệt. Với Nam Định, đó thực sự là một cuộc “cách mạng”, khi bao năm qua họ như một “ốc đảo”, đứng ngoài vòng quay bóng đá chuyên nghiệp khi vẫn trực thuộc Sở. Và ngay sau buổi chiều 15.7, đánh dấu sự trở lại sau 7 năm xuống hạng, lãnh đạo đội bóng lại liên tục với những chuyến ngoại giao Nam Định - Hà Nội, Nam Định - TPHCM như suốt hơn 1 năm qua mà gần như tuần nào cũng vận động. Để chơi V.League thì phải có tiền và tiền cho bóng đá chỉ có thể trông vào các nguồn lực xã hội với một thành phố như Nam Định. Ví dụ như “nguồn sống” cho bóng đá trước mắt, đó sẽ là sự chung tay của Hội golf Thiên Trường quy tụ hàng trăm doanh nghiệp với các doanh nhân là người con thành Nam, khi đề ra quy định mỗi đơn vị tự nguyện chung tay 100-200 triệu đồng để ủng hộ bóng đá.

Ở Việt Nam, máu bóng đá và tính địa phương thì phải nói đến Nghệ An, Nam Định. Cái khó của Nam Định là khả năng thuyết phục, quy tụ bởi giới bóng đá Việt Nam không ai lạ gì “lời nguyền” sau giai đoạn hoàng kim 2003-2004 “còn các ông ấy, còn kiểu làm thế thì không bao giờ”. Cơ chế cũ, cách làm và tư duy cũ nên dù rất nhiều máu mê, sự ủng hộ nhưng bóng đá Nam Định bị quay lưng rồi bị bỏ rơi. Thế nhưng từ mùa 2016, Nam Định có cơ hội thay đổi triệt để bắt đầu từ bộ sậu lãnh đạo mới, trẻ trung. Vai trò cầm trịch bóng đá được giao cho Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tân Anh - một người trẻ có tri thức và nhiều năm gắn bó như là “cái số”, với chức danh Chủ tịch. Cùng với Phó Giám đốc Trung tâm bóng đá Nam Long và uy tín, vị thế của HLV Văn Sỹ, với cách làm cùng tư duy mới mẻ, trẻ trung, họ làm lại bằng việc gây dựng uy tín, các mối quan hệ để bóng đá được quan tâm, ủng hộ.

“Bóng đá sẽ khác, khi các doanh nghiệp ở tỉnh rồi trong Nam ngoài Bắc là cổ đông, cùng chung tay làm. Nói cách đơn giản nhất, vì sự lâu bền và phát triển, chúng tôi định hướng đội bóng sẽ phải là thứ tài sản của những người Nam Định. Nếu làm không tốt, các doanh nghiệp sẽ quay lưng và bóng đá sẽ không sống nổi. Thành công hay thất bại, có tồn tại phát triển được hay không sẽ do chính chúng tôi, do bóng đá quyết định. Đó là cái mới để chiến đấu, khi cuộc chiến thực sự giờ mới bắt đầu” - Văn Sỹ bày tỏ hy vọng khi nói về một trang mới cho bóng đá thành Nam, trong ngày quay lại V.League - cột mốc được coi là đánh dấu sự hồi sinh của một trung tâm bóng đá truyền thống của bóng đá Việt Nam.

Với chiến thắng 1-0 trước Viettel ở vòng 13 giải hạng Nhất Quốc gia - Sứ Thiên Thanh 2017, Nam Định có 20 điểm, hơn đội đứng thứ 2 là Huế 3 điểm và vô địch hạng Nhất, giành tấm vé duy nhất lên hạng V.League sớm 1 vòng đấu.

NGUYÊN ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/bong-da-nam-dinh-quay-lai-voi-vleague-sau-7-nam-su-song-nay-sinh-tu-dat-chet-683973.bld