Bóng đá Sài Gòn và đam mê của các ông bầu

(TT&VH)- Đam mê bóng đá của ông bầu Lưu Quang Lãm mới đây về cơ bản đã “cứu” bóng đá Sài Gòn thoát khỏi cảnh tồn tại dang dở.

Đầu tiên, nhắc đến đội bóng đang sống mạnh khỏe nhất bóng đá địa phương đông dân nhất VN này. N.SG với tiềm lực tài chính rủng rỉnh tha hồ mua sắm, thực hiện chiêu khuếch trương thương hiệu rất hiệu quả. Niềm đam mê đó của các ông chủ đội bóng này đã được đánh đổi bằng sự “an phận” sau khi được thành phố cấp đất cho hoạt động đầu tư vào bóng đá trẻ. Lật ngược lại vấn đề, CLB này sẽ về đâu nếu ông chủ ngành ngân hàng không được đảm bảo quyền lợi đó?! Mùa giải này, N.SG đã thắt chặt chi tiêu chứ không quá tay như mùa giải trước.

Bi sầu nhất nền bóng đá xứ sở này là CLB TP.HCM. Sau khi Sở VH-TT-DL TP.HCM tiếp quản đội bóng, cũng chẳng có tín hiệu gì khá hơn ngoài việc đội bóng được thanh toán vài tháng lương nợ đọng. Nhưng đó chẳng thấm là bao so với số tiền còn nợ cầu thủ và BHL từ cách đây 2 năm vẫn chưa thanh toán nổi.

Hiện tại, nếu muốn tiếp quản đội bóng này phải chi ra hơn 20 tỷ đồng cho phía đơn vị chủ quản. Kèm theo đó là số tiền nợ đọng cầu thủ, BHL, chưa kể nếu muốn lên hạng phải đầu tư rất nhiều tiền nữa. Con số áng chừng muốn tiếp quản CLB TP.HCM để chơi ở giải hạng Nhất sang năm phải hơn 50 tỷ đồng cả thảy. Trong thời buổi kinh tế hiện tại, lại đầu tư vào lĩnh vực chỉ có lỗ mà không lời thì dễ hiểu khi chẳng đơn vị nào nhảy vào. Phía đơn vị chủ quản muốn bán tống CLB đi nhưng kêu gọi suốt nhiều tháng qua, thậm chí nhiều quan chức đã dùng cả uy tín để bảo đảm, tiến trình chuyển giao CLB TP.HCM vẫn dậm chân tại chỗ.

Tương lai của SG.XT (trái) trong trái tim người hâm mộ bóng đá Sài Gòn vẫn còn là dấu hỏi rất lớn- Ảnh: Quang Nhựt

CLB giàu truyền thống, nhiều CĐV nhất bóng đá TP.HCM đang không biết sẽ sống kiểu gì khi chỉ còn chừng tháng nữa là bước vào mùa giải mới. Giờ đây, tồn tại đã khó chứ chưa nói đến chuyện hóa rồng như lộ trình đã được vẽ ra với đội bóng này..

Việc bầu Lãm nhảy vào thế chân bầu Thụy ở SG.XT đã mở ra cho đội bóng này một tương lai tươi sáng. Cầu thủ và BHL vui như Tết vì chí ít, họ biết mùa tới mình còn tồn tại để chơi mùa V-League đầu tiên. Chuyện chuyển giao này là vấn đề đã được quy hoạch theo lộ trình từ trước, như lời ông tân Chủ tịch SG.FC.

Ông Lãm cho biết “đầu tư vì bóng đá bây giờ đơn thuần là vì tình yêu, vì trách nhiệm với người yêu bóng đá TP.HCM. Và để kéo khán giả đến sân ở mùa giải tới, SG.FC sẽ mở cửa cho khán giả vào sân tự do trong giai đoạn một. Tôi không đặt thương hiệu đi kèm với đội bóng của mình là để khán giả Sài Gòn có một đội bóng của riêng mình, để họ không mặc cảm khi đến sân cổ vũ.

Với 2 kênh truyền hình sẵn có, CLB sẽ được đến gần hơn với người xem truyền hình và tôi tự tin mình sẽ đưa được khán giả đến chật SVĐ Thống Nhất để xem đội bóng của mình thi đấu. Hiện tại, đầu tư vào bóng đá chỉ thấy lỗ nhưng tương lai đội bóng này phải tự sống được bằng bóng đá.

Những nguồn thu của bóng đá chẳng hạn như bán đồ lưu niệm, áo thi đấu, bán vé, bản quyền… Tôi đã lên kế hoạch đầu tư vào bóng đá trẻ nhưng ít nhất, mình phải có những điều kiện cần như đất đai để đóng trụ sở và nuôi đội bóng…”.

Như thế, đam mê bóng đá của bầu Lãm là có lý lẽ hẳn hoi. Cùng thời điểm và ở hoàn cảnh na ná nhau, nhưng ông Lãm chọn SG.XT để tiếp quản thay vì CLB giàu truyền thống tiền thân là CSG.

Thời gian chưa đủ đo được nhiệt huyết của bầu Lãm với bóng đá, nhưng bài học của người bạn thân của ông là bầu Thụy, 3 lần chối bỏ đam mê của mình ở 3 địa phương khác nhau vì nơi đó không đảm bảo những quyền lợi như mong muốn của mình cũng là điều ông Lãm muốn tránh. Nhưng cũng phải nể ông không chỉ vì tình yêu mà còn vì niềm tin vào thực tế, chẳng ai nuôi bóng đá mà không mang lại cho mình điều gì đó.

Theo ước tính của tạp chí Four Four Two, ông chủ CLB Manchester City vung tiền khét tiếng như thế nhưng cũng kiếm lại lời 2,7 tỷ bảng khi đầu tư vào hoạt động bóng đá. Đam mê nào cũng phải có lý lẽ thực tế hẳn hoi.

Việt Hà

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/128n20111127064815317t0/bong-da-sai-gon-va-dam-me-cua-cac-ong-bau.htm