Bóng đá Việt Nam: Góc khuất nghề giám sát

Nó là cái nghề rất ít được chú ý, vì người làm nghề không xuất hiện trên sân như cầu thủ, trọng tài, cũng chẳng xuất hiện trên đường piste như các HLV. Người làm nghề ấy thường ngồi trên ghế VIP các sân vận động với một bộ dạng lịch thiệp cùng cái tay lúc nào cũng ghi ghi chép chép.

Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh là vị giám sát dũng cảm hiếm hoi trong lịch sử.

Trong khi những nhà tổ chức V.League xưa nay bảo những người làm nghề ấy luôn có một trách nhiệm và áp lực nặng nề, thì dân thạo việc lại ví von: "Người làm nghề ấy vừa ngồi mát, lại vừa được ăn…bát vàng"?!

Khi chúa chết, trạng chẳng băng hà

Trận chung kết ngược V.League 2011 giữa chủ nhà Hải Phòng với Hòa Phát. (Hà Nội) trên sân Lạch Tray, khi ông trọng tài đè ngửa Hòa Phát ra ép, và khi Hòa Phát thua ngược 1-2 thì ông trọng tài sau đó đã phải lên… đoạn đầu đài. Đến hội nghị tổng kết mùa giải năm đó, khi cựu bầu Nguyễn Đức Kiên lấy trận đấu này và ông trọng tài này làm dẫn chứng điển hình để đánh vào những ung nhọt kéo dài của cả một nền bóng đá thì PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng đã nói một câu bất hủ: "Với những trọng tài như thế, tôi đề nghị phải đuổi vĩnh viễn", và quả nhiên là sau đó ông trọng tài đã bị đuổi vĩnh viễn, đuổi không thương tiếc.

Nhưng trớ trêu là trận chung kết ngược lắm chuyện, lắm virus ấy, ông giám sát trọng tài ngồi trên ghế VIP sân Lạch Tray đã đàng hoàng chấm trọng tài điểm 8/10. Sau này, khi trọng tài bị "đánh" thì người ta cũng "đánh" cả ông giám sát với câu hỏi: tại sao ông có thể cho điểm một cách kỳ cục, khác thường như thế? Nghe đâu cũng vì câu hỏi này mà từ đó ông giám sát đã không được mời đi làm giám sát nữa, nhưng nó cũng chỉ là một cái án ngầm, cái án nội bộ, vì người ta sợ nếu công khai thì sẽ có nhiều giám sát khác "ăn đòn".

Nói vậy để thấy chuyện xử các ông giám sát là những chuyện rất hiếm hoi, và nó chỉ diễn ra trong những vụ việc nổi cộm, khiến cho dư luận làng bóng tột cùng phẫn nộ. Còn trong nhiều vụ việc khác, khi trọng tài dở, và bản báo cáo của ông giám sát trọng tài cũng dở, người ta vẫn phải làm quen với việc "trọng tài bị xử, còn giám sát trọng tài thì không". Thế nên giới trọng tài lâu nay mới hay nhìn vào các ông giám sát để ví von và hình ảnh hóa vấn đề bằng câu nói: "Chúa chết, trạng chẳng băng hà!". Và nhiều trọng tài vẫn rỉ tai nhau theo kiểu: "Làm Chúa vài năm thôi nhé. Sau này treo còi làm Trạng, sướng hơn!".

Mới đây, bóng đá Việt Nam xôn xao chuyện CLB Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đá như buông trước kèo dưới Kiên Giang ở vòng 19 V.League, dẫn đến trận thua 1-3 đúng như những gì dân anh chị trong làng cá cược đồn thổi. Xem phần đầu biên bản giám sát trận đấu này, thấy ông giám sát trận đấu đã dũng cảm khẳng định, cầu thủ Xi măng Xuân Thành Sài Gòn có nhiều biểu hiện đá dưới sức - một sự dũng cảm hiếm hoi của các giám sát nhà ta. Nhưng chưa kịp mừng với một sự dũng cảm hiếm hoi như thế, nhìn vào phần cuối biên bản giám sát lại không khỏi giật mình khi thấy ông giám sát đã cho các cầu thủ Xi măng Xuân Thành Sài Gòn điểm 15/20. Rõ ràng là ông giám sát đã nhận xét một đằng, cho điểm một kiểu, và cái kiểu phê bút mâu thuẫn với chính mình đã khiến cho rất nhiều quan chức VPF, VFF bực mình.

Ngay khi hay tin chuyện này, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã hỏi ngược Trưởng giải Trần Duy Ly: "Giám sát trận đấu này là ai?", rồi chỉ đạo: "Phải có những cải cách mạnh mẽ về lực lượng giám sát trận đấu, giám sát trọng tài trong thời gian tới". Trong khi đó, Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường chia sẻ: "Nếu thấy cầu thủ Xi măng Xuân Thành Sài Gòn thi đấu với một phong thái kém cỏi, phi thể thao, tại sao ông giám sát không cho đội bóng này 0 điểm? Nếu ông ta cho 0 điểm, thì chúng tôi có thể căn cứ vào đó để xử phạt một cách nhanh chóng, dễ dàng. Đằng này…".

Phải nói đi nói lại rằng giám sát trận đấu và giám sát trọng tài là những vị trí cực kỳ quan trọng, bởi đấy lần lượt là những nhân vật đại diện cho BTC giải và Ban Trọng tài ở các sân bóng địa phương. Cái nhìn của họ, tiếng nói của họ, từng dòng bút phê của họ có ý nghĩa định hướng rất lớn cho những nhà làm giải trong việc đánh giá, mổ xẻ trận đấu một cách khách quan, chính xác. Thế nhưng ở bóng đá Việt Nam phần lớn các ông giám sát lại làm việc theo tư tưởng tròn vo, mà nói như dân trong nghề là "làm như thế, để không gây khó những nhà tổ chức".

Thời bóng đá bao cấp, từng phổ biến tình trạng trước khi phê bút, các ông giám sát thường ngó trước ngó sau, ngửi trên ngửi dưới xem đội bóng mà mình giám sát có quan hệ thế nào với các "quan" to ở phía trên. Sang đến thời bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt là trong năm ra đời đầu tiên của VPF thì các giám sát lại hay lấn cấn bởi câu hỏi: đội bóng mình đang giám sát là của ông bầu nào? Và đấy liệu có phải là ông bầu "to mồm", giàu quyền lực hay không?

Một giám sát hiện tại được chế độ 4 triệu đồng/trận, và một tháng thường làm nhiệm vụ khoảng 2-3 trận, nên cũng có thể nhận được trên dưới 10 triệu đồng (chưa kể những khoản mềm khác vốn vẫn hay xuất hiện trong bóng đá Việt Nam). Thế nên đối với những cựu trọng tài hoặc cựu cầu thủ có quan hệ thân thiết với "các quan", việc được mời đi làm giám sát giống với việc được mời đi "hưởng lộc".

Cái "lộc" mà khi được hưởng không ai muốn làm khó những đối tượng người đã mớm "lộc" cho mình.

Những ông trạng khác người

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, có lẽ chuyên gia lão làng Nguyễn Văn Vinh là ông giám sát hiếm hoi hành nghề một cách dũng cảm, công tâm. Chuyện kể rằng khi làm giám sát một trận đấu thời bao cấp, nhận thấy cầu thủ hai đội có biểu hiện nhường điểm, cứu bồ - một vấn nạn vẫn lặp đi lặp lại ở đoạn cuối giải VĐQG nước nhà, giám sát Nguyễn Văn Vinh đã thẳng thừng phản ánh tình trạng này vào biên bản của mình, rồi đề nghị BTC giải phải truy cứu đến nơi đến chốn.

Các cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn (trái) và Nguyễn Văn Mùi sau khi treo còi đều hành nghề giám sát trọng tài.

Ngồi kể lại với người viết câu chuyện này, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh phân tích: "Điều quan trọng nhất của một giám sát là phải không sợ sệt. Nếu anh sợ đội bóng hoặc sợ những nhân vật quyền lực nào đó có quan hệ với đội bóng thì hỏng hết. Khi làm giám sát, tôi tuyệt đối không sợ những điều này, mà chỉ sợ lương tâm và sự trung thực của chính tôi". Tuy nhiên, cũng chính vì cái tư tưởng "không sợ" rất hiếm hoi như thế mà sau một mùa làm giám sát, ông Vinh đã không được mời làm giám sát ở những mùa tiếp theo.

Bây giờ thì ông Vinh đang là Phó ban Tư vấn Đạo đức VPF. Ở một khía cạnh nào đó thì ông cũng đang đóng vai trò giám sát các trận đấu bóng đá, các vấn đề bóng đá trong khuôn khổ có thể của mình. Sự khác biệt có chăng nằm ở chỗ, nếu các ông giám sát trận đấu giám sát trọng tài mỗi trận làm nhiệm vụ vẫn được nhận ít nhất 4 triệu đồng thì ông già Nguyễn Văn Vinh lại làm nhiệm vụ với với 0 triệu, 0 trăm, 0 đồng, 0 đơn vị. Khi được hỏi, trên cương vị Phó ban Tư vấn Đạo đức VPF, mình đã giám sát những gì và kiến nghị những gì thì ông Vinh bảo: "Cái chúng tôi thấy lại là cái mà những nhà tổ chức giải dường như cố tình không thấy". Chẳng hạn như ông Vinh thấy những trận đấu bốc mùi, và có văn bản đề nghị phải xử lý những trận đấu bốc mùi thì BTC V.League lại bảo: "Trận đấu ấy bình thường!". Rồi ông thấy việc một đội bóng được đá cả hai trận lượt đi lượt về trên sân của đối phương là điều hết sức vô lý, là mầm mống để tiêu cực dễ bề nảy sinh thì BTC V.League lại cho biết: "Đấy là chuyện đã có tiền lệ ở nước ngoài" (?).

Trong một cuộc họp báo mới đây của Ban Tư vấn Đạo đức, chuyên gia - giám sát Nguyễn Văn Vinh đã ngao ngán thốt lên: "Bóng đá Việt Nam giống một con bệnh mà những ông bác sĩ luôn bó tay với bệnh…".

Có lẽ trước khi nói đến chuyện chữa bệnh và vai trò trị bệnh của những ông bác sĩ, cần phải chú ý tới chuyện những ông giám sát trận đấu - giám sát trọng tài có dám công khai cái bệnh ấy vào văn bản báo cáo của mình không.

Hay là vì biết bác sĩ tay nghề kém, nên thấy rõ, nhìn rõ, cảm nhận rõ "con bệnh" nhưng mấy ông giám sát vẫn nhắm mắt phê mấy chữ: "Không có bệnh"?

Còi vàng không thể làm… giám sát

Sau khi treo còi, còi vàng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam Dương Mạnh Hùng khao khát được đi làm giám sát trọng tài, vì ông Hùng cho biết: "Tôi còn muốn cống hiến cho bóng đá, và sẵn sàng làm tất cả vì bóng đá nước nhà". Tuy nhiên, đơn xin làm giám sát của ông Hùng đã bị cựu Trưởng BTC V.League, Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi phản bác thẳng thừng, với lý do: "Anh Hùng chưa có bằng tốt nghiệp đại học!". Việc loại một cựu trọng tài tâm huyết, người đầu tiên đoạt danh hiệu "còi vàng" với lý do "chưa có bằng đại học" nghe mà xót xa.

Tất nhiên sau cái lý do ấy là hàng loạt những dích dắc hậu trường có thể dễ dàng "ngửi" được. Số là hồi cầm còi, ông Dương Mạnh Hùng nổi tiếng là một trọng tài thẳng tính. Ông từng trả lại phong bì và vì vụ trả lại phong bì không giống ai như thế mà nhiều người phía trên ông Hùng bị làm khó. Ông cũng không ngại công khai những ung nhọt, khuất tất của giới trọng tài Việt Nam, khiến ông chủ ngôi nhà trọng tài Việt Nam lúc đó bực mình ra mặt. Một người như ông Hùng mà đi làm giám sát trọng tài thì những nhà điều hành trọng tài nói riêng và điều hành giải đấu nói chung sẽ bị "làm khó" thì sao?

Thật buồn khi dân trong nghề đồn rằng một trong những điều kiện hết sức quan trọng để được nhập nghề giám sát ở Việt Nam là phải… dễ bảo, và dễ nghe lời?!

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/giaitri-thethao/gocnhinthethao/2013/9/185839.cand