Bóng đá Việt và những cạm bẫy

EURO là niềm vui, là món ăn tinh thần với đại đa số người hâm mộ Việt Nam. Nhưng EURO cũng đồng nghĩa với những nỗi lo, nhất là với các CLB V-League trong việc quản cầu thủ khỏi sa vào những cạm bẫy hữu hình.

Nhiều cầu thủ sa vào cá độ để đến khi kịp nhận ra sai lầm đã quá muộn

Cá độ, “món quen” của cầu thủ

EURO cũng như World Cup, là sàn diễn tập trung những hảo thủ hàng đầu thế giới, là nơi mà từ HLV đến các cầu thủ ở những nền bóng đá kém phát triển nhìn vào để chiêm nghiệm, học tập. Thế nhưng, đối với làng bóng đá Việt Nam, bên cạnh việc theo dõi EURO hay World Cup để mà “học”, thì nó còn khiến cho rất nhiều người cảm thấy bất an.

Không phải ngẫu nhiên mà cứ vào năm chẵn, lãnh đạo nhiều đội bóng lại toát mồ hôi nơm nớp lo quản quân. Đã từng có quá nhiều trường hợp vì cá độ mà tan nát sự nghiệp trong làng cầu thủ nước nhà. Vũ Như Thành, trung vệ thép một thời của bóng đá Việt Nam từng có thời gian mất tích khó hiểu.

Thành đi đâu không ai biết, nhưng nhiều nguồn tin thì khẳng định cựu cầu thủ Thể Công phải bán nhà đi trốn nợ vì lỡ thua độ một số tiền khiến bất cứ ai cũng phải choáng váng. Khi giông tố tạm qua đi, Như Thành trở lại và cũng không đính chính hay giải thích gì về quãng thời gian đó, lại càng khiến người ta tin chuyện đó có thật.

Ở Nghệ An, trước đây có tài năng trẻ Đắc Khánh, cũng vì ham mê cá độ trên mạng nên đã vĩnh viễn phải từ giã sự nghiệp. Đắc Khánh được đánh giá là một tài năng và hoàn toàn có thể phát triển để trở thành trụ cột của SLNA. Nhưng ham mê trò đỏ đen đã khiến Khánh vỡ nợ lên tới cả tỷ đồng. Nhà nghèo, trong khi chưa nhận lương chuyên nghiệp, không còn cách nào khác, Đắc Khánh đành bỏ lại tất cả để đi trốn.

Một cầu thủ (xin giấu tên) từng chia sẻ thẳng với chúng tôi: “Cầu thủ bọn em mê bóng bánh là chuyện thường. Vui vui thì làm 1-2 “củ” (triệu đồng). Bọn em đánh trên mạng nên lãnh đội làm sao mà biết được”. Và cứ thế, số lần “vui vui” nhân lên và có những cầu thủ trắng tay từ lúc nào không biết.

Thua độ, thiếu tiền, nhiều cầu thủ sinh ra trò làm độ với những trận đấu thật, nơi họ trực tiếp thi đấu, để nhanh chóng kiếm tiền gỡ lại. Thế nên, mùa nào ở V-League cũng có trận đấu kỳ quặc bị liệt vào “danh sách đen”. Thế mới có chuyện những nhóm cầu thủ ở Ninh Bình hay Đồng Nai phải lâm vào cảnh cơ hàn, tù tội vì làm độ.

ý thức là yếu tố quyết định

Cứ mỗi mùa EURO hay World Cup tới là lãnh đội các CLB lại đau đầu. Hầu như trong thời gian này, các đội bóng Việt Nam cũng nghỉ giữa giai đoạn, nên để quản lý cầu thủ của mình là việc rất tốn công sức. Không thể cứ kè kè bên họ và tất nhiên cũng không thể làm những việc xâm phạm quyền riêng tư như đặt máy ghi hình, ghi âm trong phòng được.

Ăn ở tập trung, không cho xem các trận đêm, tịch thu điện thoại hay laptop là một số biện pháp cứng rắn mà nhiều CLB áp dụng. Nhưng chính nhiều lãnh đội cũng thừa nhận, cầu thủ mà thực sự muốn cá độ thì cũng khó mà cấm họ được.

Khác với những mùa giải trước, mùa này, Ban tổ chức V-League bất chấp tất cả, kể cả những lo ngại về việc khán giả không đến sân đông, để duy trì việc thi đấu của các CLB xuyên suốt thời gian diễn ra EURO. Cúp quốc gia vừa thi đấu hôm 9-6 vừa qua, còn vòng 12 V- League sẽ trở lại vào ngày 19-6.

Điều này đồng nghĩa, hầu hết các đội bóng đều không thể xem EURO vì còn bận tập luyện và thi đấu. Dù vậy, trước những nguy cơ cầu thủ Việt “dính” vào cá độ, các đội bóng chỉ còn biết trông chờ vào thái độ chuyên nghiệp của họ, vì không thể quản được ý thức của từng người. HLV Võ Đình Tân của S.Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi nghiêm cấm mọi hành vi cá cược của các cầu thủ, kể cả chuyện làm độ vui với nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa, ý thức của họ vẫn là yếu tố quyết định. Đã có quá nhiều bài học xảy ra và tôi nghĩ những cầu thủ thông minh, cầu tiến thì sẽ không bao giờ sa chân vào những cạm bẫy hữu hình này”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/bong-da/bong-da-viet-va-nhung-cam-bay/684367.antd